Dự án được xây dựng trên diện tích 10ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022.
Dự án gồm khu giảng đường, khu hành chính, nhà xưởng thực hành, thư viện, ký túc xá sinh viên và các công trình phụ trợ. Trong đó, khu giảng đường có quy mô lên đến 2ha với các phòng học 30 – 150 chỗ ngồi được thiết kế linh hoạt, tương tác cao; áp dụng công nghệ hiện đại để phục vụ kỹ thuật giảng dạy.
Sau khi đi vào vận hành, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như: phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất, quản trị vận tải, vận hành hàng không quốc tế, quản trị cảng hàng không và hoạt động bay, quản trị marketing và quảng cáo hàng không…
Tại lễ khởi công, đại diện các bên đã ký kết biên bản ghi nhớ Hợp tác phát triển đào tạo hàng không giữa Bamboo Airways với trường Đại học Công Nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Hàng không New Zealand và Trung tâm Đào tạo Hàng không dân dụng (CAE) hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cũng như tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 17,4%. Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tăng mạnh mở ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện tại ngành vận tải hàng không Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực, công tác đào tạo và huấn luyện nhân lực còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Việc đào tạo tại chỗ lao động chuyên ngành là phương án tổng thể mà Bamboo Airways xác định để đảm bảo chủ động nguồn nhân lực. Sau khi đưa vào hoạt động, Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa nhân sự ngành, giảm lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cũng như đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của ngành hàng không Việt Nam.