FPT khó về đích

(ĐTTCO) - Với kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016 không mấy tích cực, nhiều khả năng CTCP FPT (FPT) sẽ không thể hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2016. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự hụt hơi của mảng phân phối/bán lẻ so với đối thủ cạnh tranh.

(ĐTTCO) - Với kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016 không mấy tích cực, nhiều khả năng CTCP FPT (FPT) sẽ không thể hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2016. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự hụt hơi của mảng phân phối/bán lẻ so với đối thủ cạnh tranh.

Kỳ vọng mảng công nghệ

FPT là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam với 4 mảng hoạt động chính: công nghệ, viễn thông, phân phối/bán lẻ và giáo dục. Hiện tại, tập đoàn này đang trong quá trình tái cấu trúc các khoản đầu tư vào công ty con. Theo đó, FPT đang trong lộ trình giảm tỷ trọng sở hữu tại mảng bán lẻ và bán sỉ thiết bị công nghệ (FPT Retail và FPT Trading) và đồng thời thể hiện thiện chí muốn nâng cao tối đa sở hữu tại mảng viễn thông (mua lại phần vốn bán ra của SCIC tại FPT Telecom). Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, những thay đổi này sẽ mang lại yếu tố tích cực đối với hoạt động trong dài hạn của FPT do mảng bán lẻ đang đối mặt với cạnh tranh mạnh trong ngành và phân khúc viễn thông có tiềm năng trong dài hạn khi lộ trình quang hóa hoàn tất.

Dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm 2016 của FPT khoảng 41.751 tỷ đồng và 2.154 tỷ đồng, tương ứng EPS khoảng 4.220 đồng. Với P/E áp dụng cho FPT là 13,7x, mức giá hợp lý đối với CP FPT vào khoảng 58.000 đồng/CP.

Đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh của FPT là mảng công nghệ, hiện là phân khúc kinh doanh được FPT kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao nhất cho tập đoàn trong năm 2016. Cụ thể, BCTC quý II cho thấy 6 tháng đầu năm mảng này đã đóng góp 3.944 tỷ đồng (tăng 14%) vào tổng doanh thu. Trong đó, tăng trưởng phần lớn vẫn đến từ sự cải thiện tích cực của thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu đến Slovakia nhờ vào thương vụ M&A với công ty RWE IT Slovakia tiếp tục đóng góp vào KQKD của FPT. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để FPT có thể duy trì mức tăng trưởng tích cực từ thị trường châu Âu trong thời điểm hiện tại lẫn triển vọng trong tương lai. Thương vụ này có thể sẽ mang về cho FPT hợp đồng với một số khách hàng khác trong lĩnh vực năng lượng tại thị trường Slovakia. Ngoài ra, doanh thu của FPT cũng được thúc đẩy nhờ hợp đồng cung cấp hệ thống ứng dụng quản lý thuế giá trị gia tăng mới được ký kết cùng cơ quan thuế Bangladesh với trị giá 33,6 triệu USD. Đồng thời, FPT đang là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được cấp phép kinh doanh viễn thông (NFSI) tại thị trường Myanmar.

Không được kỳ vọng nhiều, nhưng viễn thông chính là mảng kinh doanh đạt mức tăng trưởng tích cực nhất với mức tăng trưởng doanh thu 6 tháng đầu năm lên đến 26,1% (tương ứng 3.178 tỷ đồng). Thế nhưng, mảng kinh doanh này ghi nhận lợi nhuận thấp do lộ trình quang hóa tại thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại. FPT đang có trên 1,5 triệu thuê bao, trong đó 2/3 là cáp quang và 1/3 cáp đồng. Kế hoạch quang hóa sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của FPT Telecom do phân bổ chi phí quang hóa tại Hà Nội và TPHCM thành 2 phần: 1 phần ghi nhận vào tài sản cố định khấu hao từ 5-7 năm và 1 phần ghi nhận vào vật tư thuê bao sẽ phân bổ hết trong năm. Ngoài ra, FPT còn dự phòng tương ứng 1,5% doanh thu vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam theo quy định mới. Do đó, mặc dù doanh thu có sự tăng trưởng mạnh, lợi nhuận trước thuế vẫn không có cải thiện đáng kể với 533 tỷ đồng (giảm 1,8%).

FPT dường như đã hụt hơi trong mảng phân phối/bán lẻ.

FPT dường như đã hụt hơi trong mảng phân phối/bán lẻ.

Thất vọng với mảng phân phối/bán lẻ

Một trong những mảng gây thất vọng lớn nhất đối với FPT là phân phối/bán lẻ. Theo thống kê, mảng kinh doanh này chứng kiến sự suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ khi doanh thu giảm 20,4% và lợi nhuận trước thuế giảm 24,5%. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, nguyên nhân chính đến từ việc CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) với chuỗi cửa hàng Thegioididong.com và FPT Retail cùng nhập khẩu trực tiếp từ Apple kể từ tháng 9-2015 (không còn thông qua FPT Trading) và doanh thu đến từ việc phân phối dòng sản phẩm Windows phone của Microsoft bị giảm mạnh, chỉ đạt 900 tỷ đồng doanh thu (giảm 43,8%).

Có thể thấy sự “hụt hơi” của FPT trong mảng phân phối/bán lẻ nếu so sánh với Thegioididong.com (tính chất kinh doanh và sản phẩm phân phối có sự tương đồng nhất định). Dễ dàng nhận thấy với số lượng cửa hàng hiện tại của FPT Shop chỉ vỏn vẹn 331 cửa hàng, trong khi Thegioididong.com vượt trội hẳn về độ bao phủ với gần 900 cửa hàng. Điều này dẫn tới thị phần của Thegioididong.com đạt mức 35%, cao hơn nhiều so với 12% từ FPT Shop. Ngoài ra với hiệu quả hoạt động cũng như tốc độ tăng trưởng và kết quả kinh doanh/cửa hàng đều có sự cách biệt lớn. Cụ thể, các chỉ số so sánh đều cho thấy Thegioididong.com có giá trị tương đối vượt trội so với FPT Shop trong thời điểm hiện tại.

Sự sụt giảm của mảng phân phối/bán lẻ chính là nguyên nhân khiến cho NĐT nghi ngờ về khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2016 của FPT. Trên thực tế, dù 3 mảng kinh doanh còn lại ghi nhận kết quả khả quan nhưng chính sự tuột dốc của mảng phân phối/bán lẻ đã khiến kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của FPT lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 17.818 tỷ đồng (giảm 7,8% và hoàn thành 39% kế hoạch năm). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng có sự sụt giảm 7% với 1.258 tỷ đồng.

Các tin khác