FTA mang lại tác động tích cực với hơn 85% doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Theo đánh giá của các doanh nghiệp, có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho rằng hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (con số này năm 2016 chỉ là 46,8%).
FTA mang lại tác động tích cực với hơn 85% doanh nghiệp

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá tình hình tận dụng EVFTA, một số FTA khác và kiến nghị giải pháp” đã được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) tổ chức chiều ngày 25-11-2022. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, trong số 15 Hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA và UKVFTA là những hiệp định rất quan trọng. Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán cơ lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

Đối với Hiệp định CPTPP, trong giai đoạn 2020 - 2021, xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 vẫn tăng 14,5% so với năm 2020.

Kết quả ấn tượng này cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể trong việc làm quen và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Chia sẻ về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp với các FTA nói chung, TS. Phạm Đình Thưởng, Tổng giám đốc công ty tư vấn đầu tư và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC đưa ra nhiều con số đáng khích lệ. 

Theo đó, có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (con số này năm 2016 chỉ là 46,8%). Như vậy, nhận thức của doanh nghiệp về tác động tích cực của tiến trình hội nhập FTA đang ngày càng được cải thiện.

Mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về các FTA cũng tăng lên khi có 26,1% các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ về các FTA (con số này tăng lên từ mức 12,6% năm 2016). Tuy vậy, mức độ hiểu biết này vẫn còn hạn chế và phân hóa giữa các loại hình doanh nghiệp. Theo đó, mức độ hiểu biết về FTA giảm dần từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế về nguồn lực và năng lực).

Hội thảo lần này cũng lắng nghe câu chuyện tận dụng tốt các FTA thế hệ mới đặc biệt là EVFTA của các doanh nghiệp như Phúc Sinh, gạo Trung An. Cụ thể, ông Phạm Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An đánh giá EVFTA đã giúp gạo Việt Nam có vị thế tốt hơn ở thị trường châu Âu cũng như có sức lan tỏa ở nhiều thị trường khác.

Cụ thể, trước đây, khi hiệp định chưa ký kết, gạo Việt Nam đã vào Châu Âu rồi nhưng với thuế xuất rất cao: từ 5% đến 45% tuỳ quốc gia nhập khẩu gạo. Theo đó, gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh với gạo ở những nước như Campuchia, Lào, Myanmar... Vì họ là những nước nghèo, được Liên minh Châu Âu miễn thuế, mặc dù họ không có hiệp định, nghĩa là họ được đặc cách.
Riêng với gạo Thái Lan, dù cũng bị đánh thuế nhập khẩu nhưng họ có thương hiệu gạo mạnh và lâu năm, thế giới khi nghe đến gạo Thái Lan người ta tin dùng ngay. Chính vì thế khi có EVFTA, các doanh nghiệp Việt nhất là trong ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng và tăng tốc. 
Ông Bình cho biết từ năm 2020 quyết định xây dựng thương hiệu gạo Trung An ở Châu Âu và đến nay đã có chỗ đứng vững chắc cạnh tranh ngang với gạo của Thái Lan ở nhiều quốc gia khu vực này trong đó đặc biệt là thị trường Đức. 
Nhiều tín hiệu tích cực từ các FTA song theo đánh giá của các chuyên gia những yếu tố cản trở doanh nghiệp hưởng lợi tử FTA cũng con tương đối nhiều: 40,1% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng; 46,4% doanh nghiệp gặp khó khăn do năng lực cạnh tranh còn hạn chế mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã biết cách tận dụng các FTA tốt hơn nhưng so với 5-7 năm trước; 28,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do bất cập trong công tác tổ chức thực thi FTA của cơ quan Nhà nước.... 
Trước nhiều thách thức còn tồn tại trong việc tận dụng các FTA mà đặc biệt là các FTA thế hệ mới, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại Đa Biên, Bộ Công thương cho biết thời gian tới Bộ Công thương sẽ có nhiều đổi mới trong hỗ trợ các doanh nghiệp. Sẽ cập nhật và nâng cao cổng thông tin FTA. Triển khai đánh giá việc thực thi các FTA tại các tỉnh/thành thông qua bộ chỉ số FTA Index. Đổi mới hình thức tuyên tuyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn về các khoá tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp. Thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA , thúc đẩy kết nối... 

Các tin khác