Dù tình hình hoạt động của hầu hết doanh nghiệp vận tải hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thua lỗ, nhưng việc giá dầu giảm mạnh đã tạo tâm lý tích cực đối với các CP trong nhóm ngành này.
Có thể nói đây là sự kỳ vọng hợp lý, bởi chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40-50% chi phí giá vốn hoạt động của các doanh nghiệp vận tải biển. Do đó, giả sử doanh thu vẫn được duy trì, biên lợi nhuận gộp (vốn dĩ rất mỏng của các công ty này) sẽ được cải thiện đáng kể.
Theo phân tích của CTCK Maybank Kimeng (MBKE), nhóm vận tải hàng khô có thể được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất do tỷ lệ tàu chạy tuyến cao và sự điều chỉnh giá cước có độ trễ so với giá dầu nhiên liệu. Tuy nhiên, chỉ số BDI (đại diện cho chi phí vận tải hàng khô sau đợt hồi phục ngắn hạn trong quý II-2014), cũng đã bắt đầu giảm từ tháng 11-2014 đến nay với mức giảm tương đương của giá dầu (50%).
Trong bối cảnh giá dầu vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm và tình trạng dư cung vẫn là thách thức của ngành khi triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa thật sự tích cực do ảnh hưởng từ các vấn đề căng thẳng chính trị cũng như kinh tế châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn, thì khả năng để BDI tăng mạnh trở lại rất khó. Do vậy, MBKE cho rằng tác động hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu trong 2015 của các công ty vận tải hàng khô sẽ dần bị thu hẹp lại so với quý IV-2014 vừa qua.
Doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực vận tải hàng khô đang niêm yết có thể nhắc đến là CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS). Doanh nghiệp này hiện đang sở hữu đội tàu hàng khô lớn nhất Việt Nam với tổng tải trọng hơn 472.000 tấn và phần lớn tàu (17/19 tàu) đang được khai thác dưới hình thức chạy tuyến.
Vì vậy, VOS là một trong số ít công ty có khả năng được hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu giảm một cách rõ ràng và đáng kể nhất. Hoạt động kinh doanh của VOS cũng như những công ty vận tải hàng khô khác như CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA) trong thời gian qua gặp rất nhiều rất khó khăn, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp.
Tuy nhiên, khác với 2 công ty còn lại, VOS đã thoát lỗ trong 2014 nhờ thanh lý được tàu. Nay với việc hưởng lợi từ giá dầu giảm, NĐT có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính của VOS sẽ dần cải thiện trong 2015. VOS đang giao dịch ở mức 0,7x đối với P/B và hơn 20x với P/E do giá CP của doanh nghiệp này đã tăng hơn 50%, tính từ tháng 9-2014 đến nay.
Đối với nhóm vận tải dầu khí, khả năng hưởng lợi trực tiếp thấp do đội tàu hầu hết đang được khai thác dưới hình thức cho thuê định hạn thay vì chạy tuyến nên doanh thu không bao gồm chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, có thể có tác động gián tiếp khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu tăng lên một cách tương quan do giá dầu giảm. Điều này giúp các công ty này có được nguồn hàng để chạy tuyến.
Ngoài ra, dù sản lượng hàng thông qua cảng tăng trưởng khá tốt và nhiều tiềm năng từ các hiệp định thương mại như TPP hay FTA, nhưng thị phần của đội tàu Việt Nam còn thấp (khoảng hơn 10%). Nguyên nhân do thói quen giao dịch mua giá CIF, nhập giá FOB nên không bao gồm cước vận chuyển. Trong khi đó, đội tàu quốc tế của Việt Nam hiện chỉ phục vụ các tuyến châu Á.
Do vậy, NĐT vẫn còn thận trọng đối với triển vọng của nhóm ngành vận tải biển. Một rủi ro khác cần lưu ý là tỷ lệ nợ vay của các công ty trong ngành cao, trong đó vay bằng ngoại tệ lớn nên nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự mất giá của VNĐ. Các chỉ số định giá như P/E, P/B của ngành đang ở mức 9,7x và 0,9x.
Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT) được dự báo tăng trưởng nhẹ trong 2015 chủ yếu nhờ kỳ vọng nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động thông suốt. Thông thường chu kỳ bảo trì bảo dưỡng của nhà máy từ 2-3 năm/lần. Trong 2014, nhà máy đã có đợt bảo trì trong quý II-2014 nên ít nhất phải đến 2016 mới lại có đợt bảo trì định kỳ tiếp theo.
Về dài hạn, với lợi thế là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đồng thời là doanh nghiệp sở hữu đội tàu vận tải dầu khí lớn nhất cũng như độc quyền vận chuyển cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, PVT có khả năng cải thiện tăng trưởng khi nhu cầu vận chuyển gia tăng. Đặc biệt khi nhà máy này đang dự kiến nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm trong thời gian tới.