Theo ông Mai Văn Mười, hiện tại đã có 32 ca xuất viện, 1 bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; có 4 bệnh nhân người nước ngoài nằm Hồi sức (không thở máy) tại Bệnh viện Vĩnh Đức.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiến hành xét nghiệm các mẫu thực phẩm để xác định nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc nói trên.
Liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) thông tin thêm, trong ngày 11-9, tiệm bánh mì Phượng đã bán 1.920 ổ bánh mì. Ngày 12-9, cơ sở này bán 1.700 ổ. Kết quả kiểm tra cho thấy, khu vực sơ chế của cơ sở này chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác.
Quán không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong 1 ngày. Cơ sở này không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy). Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt).
Trước đó, như đã đưa tin, nhiều trường hợp có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng trong ngày 11-9. Người đầu tiên có dấu hiệu ngộ độc vào lúc 11 giờ cùng ngày. Khoảng cách từ lúc ăn đến khi xuất hiện triệu chứng ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất 16 giờ.
Sau khi nắm bắt thông tin, ngày 12-9, lực lượng y tế đã có mặt ở tiệm bánh mì Phượng để lấy mẫu. Trước mắt, trong thời gian chờ kết quả, cơ quan chức năng đã yêu cầu tiệm bánh mì Phượng tạm dừng hoạt động.