“Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020” gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019, gồm 6 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2019; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; Một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018.
Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 toàn quốc; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 các địa phương.
Theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành thống kê tại thời điểm 31-12-2018, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 610.637 doanh nghiệp. Trong đó, có 269.169 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 45.737 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn và 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ (chiếm tới 48,4%).
Cũng theo TCTK, tính đến 31-12-2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 138.139 doanh nghiệp (tăng 5,2% so với năm 2018) và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 39.421 doanh nghiệp (tăng 15,9% so với cùng kì). Về mật độ, bình quân có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân.
Tuy nhiên, số liệu điều tra cũng cho thấy, có tới 28.731 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, số doanh nghiệp chờ giải thể là 43.711 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.840 doanh nghiệp. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có chỉ số nợ là 3,4 lần, đây là năm thứ 2 liên tiếp khu vực DNNN “dẫn đầu” về chỉ số nợ so với vốn tự có bình quân của doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, cho biết, năm 2019 tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD.
“Có thể thấy môi trường sản xuất kinh doanh năm 2019 rất thuận lợi, rất tốt. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần tập trung cần khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường số hóa trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu và cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng với công bố “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020”, năm nay cũng là lần đầu tiên Việt Nam công bố “Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020”. Đây là những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã (HTX) cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018. Theo đó, tính tới thời điểm 31-12-2018, tổng số thành viên trong các HTX hiện có là 5.998.378 thành viên. Tổng số nguồn vốn sử dụng cho SXKD của HTX đang hoạt động có kết quả SXKD đạt 226.554 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng thời điểm 2017. Năm 2018, doanh thu thuần của toàn bộ khu vực HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017, cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của HTX ( 1,8%). Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 2.575 tỷ đồng. Thu nhập bình quân tháng một lao động của các HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 3,84 triệu đồng (tăng 3,2% so với năm 2017).