Theo TS. Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện tỷ lệ doanh nghiệp tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) chiếm tỷ trọng rất cao đến 95-97%. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất (người thu nhập thấp, người nghèo) thì lại không tham gia. Vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động chưa được giải quyết (tiền lương thấp, nhà ở khó khăn, an sinh xã hội chưa được đảm bảo), mặc dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động.
TS Tiến cho biết, theo đánh giá chung, có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh… Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Thực tế, công nhân lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống.
Về việc người lao động quyết định rút BHXH, các chuyên gia cho biết, trong 5 năm vừa qua, cứ có 2 người tham gia BHXH thì có 1 người rút ra. Khảo sát cho thấy, người lao động vẫn biết việc rút BHXH một lần là thiệt thòi về sau, nhưng vẫn phải rút để giải quyết các vấn đề trước mắt vì cuộc sống quá khó khăn. Đồng thời cũng vì lo sợ chính sách BHXH thay đổi và thiệt thòi hơn về sau. Đặc biệt, độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, các nhà soạn thảo luật liên quan đến BHXH hãy cùng các chuyên gia, nhà khoa học, xã hội học, các cơ quan ban ngành như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các hội nghề nghiệp… phân tích, nghiên cứu toàn diện cuộc sống, đời sống người lao động nhiều tầng lớp, nhiều tỉnh thành, ngành nghề cả chính thức và phi chính thức. Từ kết quả này sẽ phục vụ nhiều mục đích, song cần tách ra để nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cho phù hợp.
Ông Lưu Kim Hồng nói: “Chỉ có lương hưu hàng tháng mới có thể bảo đảm an toàn tài chính cho người lao động, mà chúng ta vẫn cứ “quanh co không có lối ra” nếu chỉ có mỗi cơ quan Bảo hiểm xã hội ngồi soạn thảo quy định để sửa Luật. Hãy làm cho Luật Bảo hiểm xã hội “hữu xạ tự nhiên hương” và tuyên truyền sâu rộng cho tất cả mọi người, nhất là lứa tuổi từ khoảng 45-50 tuổi để họ hiểu là cần phải giữ lại số tiền đó”.