Gánh rối một nghệ sĩ

(ĐTTCO) - Vừa tạo hình con rối, vừa lắp ráp hậu đài, rồi điều khiển con rối và kiêm luôn cả vai trò viết kịch bản, tổ chức sự kiện... có lẽ rạp hát của nghệ sĩ múa rối nước Phan Thanh Liêm là trường hợp hiếm hoi trên thế giới, cả sàn diễn chỉ có duy nhất một nghệ sĩ. Cả sân khấu, thủy đình với con rối, đạo cụ, âm thanh cũng chỉ gói gọn vào một chiếc thùng gỗ.
 
Nhà hát gói gọn trong chiếc thùng gỗ
Tôi tìm đến với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm vào một ngày đông giá lạnh, khi vừa hoàn tất một show diễn nhỏ dành cho học sinh. Giữa tiết trời khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc, nhưng mồ hôi ông lấm chấm trên trán, chảy tràn xuống khuôn mặt lấp lánh niềm vui.
Có lẽ cái tên Phan Thanh Liêm chẳng xa lạ với những ai yêu nghệ thuật truyền thống. Sinh ra và lớn lên tại Nam Trực, Nam Định - cái nôi của nghệ thuật múa rối nước cổ truyền - ngay từ thời thơ ấu ông đã được ông nội và bố kèm cặp, dạy bảo những bí quyết tạo hình, biểu diễn các trò rối. Đến khi rời làng quê theo bố - nghệ nhân Phan Văn Ngải - tác giả của thủy đình lưu động đang được hầu hết các nhà hát, các phường rối nước sử dụng hiện nay, ra thành phố, ông Phan Thanh Liêm mang theo cả tình yêu đối với nghệ thuật rối nước cổ truyền. Trong thời gian tham gia biểu diễn rối nước, ông nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu rối nước truyền thống. Nó không chỉ cồng kềnh, khó di chuyển mà còn không thích hợp với một đoàn ít người. Từ đó ông trăn trở sáng tạo mô hình sân khấu rối nước gọn nhẹ để có thể đưa nghệ thuật múa rối đến mọi nơi.
Gánh rối một nghệ sĩ ảnh 1 Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm bên những tạo hình rối nước. 
Ông Liêm kể bắt đầu mày mò thiết kế sân khấu rối nước thu nhỏ từ những năm 1990. Đến năm 2000, sân khấu rối nước mini “made in Phan Thanh Liêm” ra đời và đến năm 2001 ra mắt khán giả lần đầu tiên. Sân khấu mini này vẫn giữ nguyên được những những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống, nhưng gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều: toàn bộ thủy đình và bể nước chỉ rộng hơn 1m2, con rối cao nhất cũng khoảng 20cm và chỉ cần một người biểu diễn. Tất cả sân khấu, đạo cụ... có thể tháo lắp dễ dàng trong khoảng mươi phút và xếp trong một chiếc hòm nhỏ để đèo gọn gàng trên xe máy. Với sân khấu rối nước thu nhỏ này, một mình Phan Thanh Liêm đảm đương mọi công đoạn, từ tạo hình con rối, lắp ráp, hậu đài, điều khiển con rối...
Với ưu điểm gọn nhẹ, tiện lợi khi di chuyển, mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ của Phan Thanh Liêm không chỉ phù hợp khi biểu diễn phục vụ khán giả ở những không gian hạn chế như trường học, cơ quan, gia đình… mà còn giúp nghệ sĩ đưa nghệ thuật rối nước đến những vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Thú vị là với mô hình này, khán giả được gần sân khấu hơn, khoảng cách giữa cánh tay người nghệ sĩ với con rối cũng ngắn hơn, giúp trò diễn sinh động hấp dẫn hơn. Từ đó, Phan Thanh Liêm có thể mặc sức “tung hoành” với nhiều trò diễn từ dân gian đến hiện đại.
Đây cũng là điều những nhà thủy đình truyền thống khó thực hiện được. Trên chính sân khấu bé xíu ấy, rất nhiều trò rối nước dân gian đã được tái hiện như Bát tiên, múa lân, rước kiệu, đấu vật, đánh võ, chọi trâu… Song song với việc tiếp tục khai thác, phục hồi các trò rối nước dân gian truyền thống của ông cha, Phan Thanh Liêm luôn trăn trở, tìm tòi và sáng tạo ra những trò rối nước mới phản ánh những vấn đề của con người và cuộc sống hôm nay với mục đích tiếp tục phát huy và phát triển nghệ thuật múa rối nước cổ truyền, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 
Miệt mài đưa múa rối ra thế giới
Đến thời điểm này, có lẽ Phan Thanh Liêm là nghệ sĩ múa rối độc lập duy nhất tại Việt Nam gặt hái nhiều thành công cả trong và ngoài nước. Nếu quan niệm “bảo tồn hay phát huy” nghệ thuật truyền thống còn đang gây nhiều tranh cãi, ở nghệ thuật rối nước truyền thống có một nghệ sĩ đang vừa phục hồi các tích diễn dân gian, vừa sáng tạo ra các trò diễn mới phục vụ nhu cầu, thị hiếu khán giả. Những tìm tòi, sáng tạo của ông không chỉ làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật truyền thống mà còn phản ánh những vấn đề của con người và cuộc sống, góp phần đưa múa rối nước cổ truyền Việt Nam vươn xa. 
Gánh rối một nghệ sĩ ảnh 2
Ông được ví như “sứ giả của nghệ thuật đồng quê Việt”, liên tục được mời tham dự các ngày hội văn hóa lớn trên thế giới ở Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Canada, Italia, Ba Lan… Nơi đâu, tiết mục của nghệ sĩ cũng nhận được sự thích thú, những tràng pháo tay của khán giả. Phan Thanh Liêm bảo ông muốn quảng bá văn hóa Việt qua những hình ảnh “Cây đa bến nước sân đình” hay “cây tre Thánh Gióng”. Thế nên không chỉ biểu diễn, nghệ sĩ còn tạo cơ hội cho khán giả giao lưu, tìm hiểu về nghệ thuật múa rối truyền thống, cũng như giới thiệu về lịch sử, những đặc trưng của người Việt sau những trò diễn. Càng đi biểu diễn nhiều nơi, nhận được nhiều sự cổ vũ của bạn bè quốc tế, Phan Thanh Liêm lại càng trăn trở làm sao để nghệ thuật rối nước nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung không bị mai một.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm chia sẻ: “Với sân khấu thu nhỏ rất gọn gàng, song vì khoảng cách từ cánh tay người biểu diễn tới con rối ngắn hơn, cộng với các con rối được tạo tác nhỏ hơn sẽ nhẹ hơn giúp người diễn viên biểu diễn điều khiển con rối sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng vì buồng “trò” lại rất chật, chỉ vừa chỗ cho 1 hoặc tối đa 2 người, nên diễn viên phải chịu trách nhiệm nhiều vai cùng lúc, cường độ biểu diễn rất lớn, nhất là những màn có xuất hiện cùng lúc tới 8 nhân vật như tích Bát tiên. Song đổi lại, mỗi màn biểu diễn tôi đều nhận được phản hồi tích cực là những tràng vỗ tay không dứt từ khán giả, vì thế mọi nhọc nhằn đều tan biến”. Là người đã có một thời gian dõi theo chặng đường sự nghiệp của Phan Thanh Liêm, NSND Đặng Nhật Minh vô cùng ấn tượng bởi những nỗ lực của người nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu. Ông chia sẻ: “Nhiều điều tưởng chừng nhỏ như sắc đỏ đậm mang nặng phù sa trong sân khấu thủy đình mini ấy khiến người xem rung động. Bản sắc được kết thành bởi chính những nỗ lực ấy”.

Các tin khác