Nhờ sự phát triển sản xuất lúa gạo và sự chủ động, linh hoạt trong xuất khẩu, gạo Việt Nam đang có nhiều ưu thế và đang ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Với kết quả 4,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 11 tháng đã vượt qua mốc 3,7 tỷ USD của năm 2011 và thiết lập kỷ lục mới cao nhất từ năm 2009 đến nay. Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế năm 2023 diễn ra tại Philippines từ ngày 27/11 đến 1/12, Việt Nam đã giành giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới." Danh hiệu này là cơ hội để các thương hiệu Việt uy tín mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm.
Tôn vinh giá trị gạo Việt Nam
Hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế là sự kiện hàng năm do The Rice Trader tổ chức và việc giành giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" làm tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam. Danh hiệu này là minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp nước ta.
Việt Nam có 3 doanh nghiệp tham dự hội nghị và gửi 6 mẫu gạo tham gia giải thưởng, theo đó Doanh nghiệp Hồ Quang-Hồ Quang Trí gửi 2 mẫu gạo ST 24, ST 25; Tập đoàn Lộc Trời gửi 2 mẫu gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed gửi 2 mẫu gạo TBR39-1 và nếp A Sào.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết theo điều lệ của cuộc thi thì từ năm 2022 đến nay sẽ không trao giải cho một giống nào cụ thể mà trao giải cho gạo quốc gia. Năm 2022, gạo Campuchia đoạt giải Nhất; năm 2023, gạo Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia nằm trong top 3, trong đó, gạo Việt Nam được trao giải thưởng “Gạo ngon nhất.”
“Điều này có nghĩa là ban tổ chức trao giải thưởng cho gạo Việt Nam chứ không trao giải thưởng cho một giống gạo cụ thể nào của một doanh nghiệp nào đó. Cục sẽ đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có phần thưởng tôn vinh cho các doanh nghiệp đã tham gia cuộc thi, do đã góp phần giúp Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất,” ông Nguyễn Như Cường cho hay.
Việt Nam đã giành giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhìn chung, kết quả giải thưởng tôn vinh giá trị gạo Việt Nam làm cho hầu hết những doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nghị đều phấn khởi, vui mừng và tự hào. Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều lên bục nhận giải và có chung nhận định về tiềm năng và năng lực phát triển gạo Việt trong tương lai.
Việc được vinh danh tại sự kiện quốc tế cũng là cơ hội để các thương hiệu Việt Nam uy tín mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm. Hội nghị cũng là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, thị trường và giá cả phù hợp.
Mở rộng sản xuất lúa gạo chất lượng cao
Hiện giá gạo Việt Nam đã vươn lên vị trí cao nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật ngày 1/12, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được xuất khẩu với giá 663 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 31 USD/tấn và 65 USD/tấn. Việt Nam cũng đang dẫn đầu về giá bán gạo 25% tấm với 643 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 68 USD/tấn và hơn hàng Paskistan 115 USD/tấn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết trong 11 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đạt 7,75 triệu tấn với giá trị 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm ngoái. Năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, đây chính là ưu thế của Việt Nam. Việt Nam đã và đang xây dựng chuỗi lúa gạo. Thông tin gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt cũng như việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định giải thưởng giúp Việt Nam khẳng định thêm với thị trường quốc tế và trong nước là tiếp tục mở rộng sản xuất các loại lúa chất lượng cao cũng như tiếp tục nghiên cứu các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Qua đó nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam trên các thị trường thế giới.
Chiến lược mở rộng sản xuất các loại lúa chất lượng cao của Việt Nam thể hiện rõ bằng việc ngày 27/11 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án ”Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.”
Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất các loại lúa chất lượng cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết Mục tiêu của đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đàm phán cơ bản xong, Ngân hàng Thế giới cho vay khoảng 350-400 triệu USD và nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện đề án là 100 triệu USD. Đến nay, chưa có dự án, đề án nào có được sự huy động từ nhiều nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới như đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Hiện any, 89% lượng nhập khẩu gạo trên thế giới trong năm 2023 đến Philippine là từ Việt Nam. Nhờ sự phát triển sản xuất lúa gạo và sự chủ động, linh hoạt trong xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam đang có ưu thế so với các quốc gia khác.