Gấp rút điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT với 52 tiết/năm học

(ĐTTCO) -  Bộ GD-ĐT lên kế hoạch xây dựng chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành (bìa trái)

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành (bìa trái)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kế hoạch này nhằm triển khai Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội. Theo đó, Bộ  GD-ĐT lên kế hoạch xây dựng chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, Nghị quyết số 63 của Quốc hội yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Do đó, Bộ GD-ĐT điều chỉnh môn Lịch sử theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 63, đảm bảo môn học này có phần bắt buộc với tất cả học sinh THPT và có phần lựa chọn cho học sinh có định hướng chuyên sâu về Lịch sử. “Kế hoạch của Bộ GD-ĐT ban hành để tổ chức việc điều chỉnh phần bắt buộc, nên trong kế hoạch này không đề cập tới phần lựa chọn. Việc thực hiện phần lựa chọn theo đúng Chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018”, ông Nguyễn Xuân Thành giải thích.

Trước khi có Nghị quyết 63 của Quốc hội, Lịch sử thành môn lựa chọn ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp (THPT). Do đó, nhiều trường đã dự kiến xây dựng tổ hợp các môn lựa chọn. Nay môn Lịch sử có nội dung tự chọn thì có thể khiến các trường phải điều chỉnh tổ hợp các môn, ảnh hưởng tới chất lượng và kế hoạch đã có.

Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, theo yêu cầu của Nghị quyết 63, Bộ GD-ĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp THPT đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử); các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua (thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử).

Để kịp thời triển khai năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đang thực hiện theo kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước vào năm học mới, hiện dư luận lo lắng thời gian quá ngắn để điều chỉnh chương trình môn Lịch sử. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết/năm học không phải là chương trình được xây dựng mới từ đầu mà được điều chỉnh tinh giảm từ chương trình môn Lịch sử 70 tiết/năm học đã được xây dựng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc thực hiện sẽ bảo đảm về tiến độ và chất lượng như kế hoạch đã ban hành.

Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - trong đó có môn Lịch sử (70 tiết/năm học) đã được tổ chức thực hiện trong những năm qua và sẵn sàng triển khai năm học 2022-2023. Nay, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện tinh giảm từ chính chương trình mà giáo viên đã được bồi dưỡng nên giáo viên đã bảo đảm năng lực để thực hiện.

Tuy nhiên, để giáo viên nắm chắc hơn về chương trình đã được điều chỉnh, giúp nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học đạt hiệu quả cao nhất, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng cho một số cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời áp dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử theo chương trình mới.

Các tin khác