“Kinh tế nước nhà tiếp tục có những bước tiến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường và thương trường quốc tế biến động liên tục, đa phần là tiêu cực. Để đạt kết quả tốt trong những tháng còn lại, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng cả năm nay - làm động lực cho tăng trưởng 2023, trước mắt còn nhiều thách thức” - đây là nhận định của một số chuyên gia kinh tế ngay sau khi Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu thống kê kinh tế tháng 10 và 10 tháng của năm 2022.
10 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng góp nhiều nhất với tốc độ tăng 9,6%; Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách đạt gần 388 nghìn tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch năm; Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thực hiện đạt gần 22,46 tỷ USD; vốn FDI đã thực hiện đạt 17,45 tỷ USD - cao nhất trong vòng 5 năm qua. 2,89% là mức tăng bình quân chỉ số giá tiêu dùng trong 10 tháng; lạm phát cơ bản tăng 2,14%. Các chuyên gia khẳng định, điều này phản ánh những bước tiến tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh quốc tế biến động khôn lường.
Như dẫn chứng của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội: "Tôi quan tâm 2 chỉ số. Thứ nhất, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 10 tháng đạt 313 tỷ - tiệm cận cả năm 2021, chúng ta xuất khẩu hơn 336 tỷ USD. Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Nó thể hiện sự điều hành kinh tế rất vững vàng, chắc chắn của Chính phủ.
Thứ 2 là chỉ số tiêu dùng, dù tăng 1 chút, vẫn trong tầm kiểm soát đấy là do kiểm soát chặt việc tăng giá dịch vụ y tế giáo dục, lương thực thực phẩm, rồi giá bán điện, và vấn đề xăng dầu. Những tháng cuối năm, xu hướng của thế giới là lạm phá – thắt chặt chi tiêu, sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của mình. Cho nên câu chuyện tiếp theo của doanh nghiệp Việt Nam: Vẫn giữ được cả thị trường trong nước, giữ được các hoạt động xuất khẩu - là thách thức lớn. CPI tăng thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, vậy mong Chính phủ có những biện pháp làm thế nào vừa giữ được cân đối, vừa đảm bảo đời sống người lao động, ví dụ việc dự kiến điều chỉnh lương vào quý 1 năm 2023 là một quyết sách tác động đến lạm phát".
Đồng thuận quan điểm này, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình – Giám đốc Điều hành Trung tâm nghiên cứu kinh tế Economica Việt Nam dẫn chứng những số liệu đáng chú ý khác, ví dụ, 10 tháng qua cả nước có 178.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, bình quân mỗi tháng có 17.800 doanh diện này thì dự báo cả năm nay sẽ có khoảng hơn 200.000 doanh nghiệp được thành lập và quay trở lại hoạt động.
Đây sẽ là con số cao nhất từ trước đến nay kể từ khi có Luật doanh nghiệp, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh nước nhà. Bên cạnh đó, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cũng đạt mức cao, thể hiện nhu cầu hàng hóa trong nước tăng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 17,45 tỷ USD - cao nhất cùng kỳ 5 năm qua… cũng là những con số đáng khích lệ.
Từ thực tiễn đó, ông Lê Duy Bình phân tích, nhận định, mức tăng trưởng cả năm nay có thể đạt ngưỡng 8% - trùng với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Dự báo sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 8% năm nay, thậm chí hơn - đây không phải là kỷ lục, nhưng sau hơn một thập niên chúng ta mới có thể đạt được, đây là dấu ấn quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến cố, ảnh hưởng kinh tế của Việt Nam, chúng ta có thể làm được khi có sự đồng lòng và quyết tâm của Quốc hội của Chính phủ, doanh nghiệp, của người dân Việt Nam.
Đây là những điều khó có thể mường tượng được so với cách đây chỉ khoảng 10 tháng thôi. Trong những tháng cuối năm, sự ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp. Tỷ giá, lãi suất là 2 chỉ số mà được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp.
Công tác điều hành sẽ cần phải tập trung đảm bảo được sự ổn định. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ góp phần giảm bớt chi phí vận tải chi phí Logistic, mở ra không gian tăng trưởng mới cho khu vực doanh nghiệp; cũng cần khuyến khích tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm dám dấn thân đổi mới sáng tạo của cả khu vực công lẫn cả khu vực tư và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư".
Không chỉ nêu bật những thành công trong tiến trình khôi phục và phát triển kinh tế - dựa trên số liệu thống kê kinh tế 10 tháng qua, các chuyên gia thẳng thắn nhận định, “phía trước vẫn là nhiều khó khăn - thách thức nỗ lực tăng trưởng”.
Ví dụ, việc mỗi tháng vẫn có tới hơn 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có nghĩa quá trình tái cấu trúc của khu vực doanh nghiệp đang diễn ra rất mạnh mẽ, cũng đồng thời cho thấy khả năng thích ứng và sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp còn thấp, môi trường kinh doanh cũng chưa tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, hoặc vốn cho quá trình tăng trưởng còn những bất cập.
Ngoài ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm ở nhiều hạng mục, chính là rào cản, ảnh hưởng nỗ lực tăng trưởng kỳ vọng… trong bối cảnh dự báo “suy thoái kinh tế toàn cầu”... Thực tiễn đó tiếp tục đòi hỏi nỗ lực điều hành của Chính phủ cần mạnh mẽ, linh hoạt hơn, cùng nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.