1. Những ngày cuối năm, thay vì tất bật trong bộn bề công việc, Lê Hữu Tường (22 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông, quê tỉnh Đồng Tháp) dành trọn thời gian cho gia đình, cùng má dọn dẹp nhà cửa, làm cải muối chua, khô cá lóc. Hữu Tường chia sẻ: “Đặc biệt là đêm giao thừa, năm nào nhà tôi cũng phải có nồi bánh tét, cùng nhau canh bánh chín. Gói bánh chủ yếu chia cho bà con lối xóm, bạn bè, nhưng không khí được quây quần bên nhau để chuẩn bị, nấu bánh làm cho gia đình mình thêm đầm ầm, cảm giác vui lắm”.
Làm việc trong lĩnh vực nhiếp ảnh và xây dựng thương hiệu cá nhân từ mạng xã hội, bộ sưu tập hình ảnh của Tường không phải là những chuyến đi, miền đất mới mà chỉ đơn giản là những tấm hình cả nhà ngồi gói bánh tét, bữa cơm tất niên, mâm ngũ quả, má đang kho nồi thịt…
Hữu Tường bày tỏ: “Dành thời gian nghỉ tết để đi du lịch còn tùy theo tình hình kinh tế và cách suy nghĩ của mỗi người. Với tôi, lúc nhỏ tôi cảm thấy việc chuẩn bị và tục lệ trong mấy ngày tết khá phức tạp, nhưng càng lớn lại thấy nó hay và ý nghĩa. Tết là thời gian gia đình tôi được đông đủ nhất, nên tôi quý trọng khoảng thời gian đó hơn. Tôi nhớ hoài lời má tôi hay nói: “Bây giờ, có thịt cá ê hề, nhưng tết mà không có tụi bây thì cũng có vui vẻ gì mà ăn?”. Với tôi, giá trị ngày tết là đoàn viên, có gia đình, có ba, có má mới thật sự có tết”.
Câu hỏi về lương thưởng hay chuyện lập gia đình với Tường cũng là một niềm vui của việc được quan tâm từ những người thân. “Chỉ có ngày tết mới được đông đủ họ hàng, lâu ngày gặp lại nên mọi người tò mò và hỏi han nhau là chuyện thường tình, tôi thấy rất thoải mái khi chia sẻ về dự định cũng như công việc của mình. Có những phong tục và hoạt động trong ngày tết cổ truyền thật thiêng liêng và đặc biệt, không có lý do gì để mình thay đổi hoặc bỏ bớt đi, những giá trị đó cần được lan tỏa nhiều hơn”, Hữu Tường chia sẻ.
2. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công việc phải chuyển sang hình thức trực tuyến, Phạm Lê Nhật Linh (26 tuổi, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) về nhà đón tết cùng gia đình sớm hơn. Tự tay dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ dùng trong nhà và quần áo mới cho người thân, Nhật Linh bày tỏ: “Ngày bé lúc còn ham chơi, tôi chỉ thích được lì xì thôi, đôi lúc cảm thấy không hiểu tại sao phải đi viếng họ hàng vào ngày tết, tại sao phải cúng giao thừa… Nhưng từ khi đi làm xa nhà, tôi biết trân trọng gia đình, trân trọng từng giây phút ở cạnh những người thân yêu và cũng hiểu rằng những phong tục ngày tết đang góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa”.
Trong hành trình trưởng thành của người trẻ, chuyện đi học, đi làm xa nhà hay những lần chịu giãn cách xã hội là lúc để bạn trẻ gen Z trân trọng hơn hai tiếng “đoàn viên”. Mâm ngũ quả không cần quá sang trọng, cầu kỳ mà chỉ cần đơn giản, vừa vặn ý nghĩa; mâm cỗ cũng không chỉ có bàn tay các mẹ, các chị mà mỗi thành viên trong nhà dẫu vụng về hay khéo léo đều san sẻ với nhau từng phần việc, là đủ đầm ấm…
Nhật Linh quan niệm: “Tôi nghĩ rằng giá trị đoàn viên trong ngày tết tùy thuộc vào mỗi người, tùy vào hoàn cảnh, truyền thống gia đình. Tôi trân trọng từng giây phút đoàn viên cùng gia đình, nếu đi du lịch là chưa trọn đầy. Vì tết, ngoài dành cho gia đình, thì còn dành cho họ hàng, anh chị em, những người rất lâu không gặp nhau, nay đều tề tựu dưới một mái nhà, cùng ăn bữa cơm tất niên, hân hoan đón khoảnh khắc giao thừa và đón năm mới”.
Trong lăng kính thế hệ gen Z, những phong tục ngày tết cổ truyền được nhìn nhận theo cách riêng nhưng vẫn giữ trọn giá trị thiêng liêng hai chữ “đoàn viên” là một điều đáng mừng. Để giá trị truyền thống hài hòa với nhịp sống hiện đại, cũng cần những điều như thế.
------------
Thế hệ Gen Z sinh từ năm 1995 đến 2012, đây là nhóm người sinh ra sau thế hệ Y (Gen Y) nên được gọi là thế hệ Z (hay Gen Z). Cụm từ Gen Z được xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2000.