Nhiều cửa hàng còn cho biết trước đó có bán các bộ xét nghiệm nhanh bằng nước bọt, nhưng nay cũng không còn hàng.
Tăng 5.000 - 10.000 đồng/bộ kit
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số nhà thuốc tây ở quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức, quận Phú Nhuận..., đại diện nhiều hiệu thuốc cho biết trong vài ngày trở lại đây bộ xét nghiệm nhanh rất ít hàng, giá tăng nhẹ.
Nhà thuốc B.H. (quận Bình Thạnh) giới thiệu cho chúng tôi một số bộ xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc Humasis có giá bán là 105.000 đồng/bộ, mấy ngày trước đó chỉ có giá 95.000 đồng/bộ. "Tình trạng này xảy ra cách đây ba ngày nay, các bộ xét nghiệm nhanh rất ít hàng, bây giờ dồn hàng đi ra ngoài Hà Nội nhiều dẫn đến khan hiếm...", chủ nhà thuốc cho biết.
Rất nhiều nhà thuốc khác cũng tăng giá bán từ 5.000 - 10.000 đồng/bộ và cho biết trước đó có bán thêm bộ xét nghiệm nước bọt nhưng cũng ít hàng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ một tuần trước, giá bán các loại bộ xét nghiệm dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/bộ xét nghiệm nhanh, hiện nay hầu hết đều từ 65.000 - 80.000 đồng/bộ nếu mua lẻ.
Khi liên hệ mua số lượng lớn, mua sỉ tại một hội nhóm chuyên bán bộ xét nghiệm nhanh, một chủ hàng tên H.D. cho biết đã ngừng bán vì giá tăng nhanh.
"Mình đã ngưng bán cả tuần rồi, giá nguồn tăng hơn 90% so với giá gốc, mới mua kit Lepu Medical giá 51.000 đồng/bộ mà giờ lên hơn 70.000 đồng/bộ", chủ hàng này cho hay.
Theo D., việc giá bán tăng cao do một phần thị trường có nhu cầu lớn nên nhiều người muốn mua sỉ về bán lại, từ đó nguồn hàng khan hiếm, giá bán bắt đầu chênh lệch hơn.
Đảm bảo cung cầu để tránh tăng giá
Trước đó, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định giá xét nghiệm COVID-19 có hiệu lực từ ngày 21-2. Theo quy định này, mức giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 trong trường hợp thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế tối đa chỉ có 78.000 đồng/xét nghiệm. Nhưng hiện nay nhiều loại bộ xét nghiệm nhanh tại thị trường lại có giá bán cao hơn nhiều lần so với xét nghiệm có bảo hiểm y tế.
TS Phạm Hùng Vân - chủ tịch Hội Sinh học phân tử y khoa Việt Nam - cho biết đối với bộ xét nghiệm bằng nước bọt nếu lấy đúng thời điểm mới có tác dụng. Còn sử dụng bộ xét nghiệm bằng nước bọt sau khi ăn, súc miệng... thì nguy cơ bị âm tính giả rất cao. Đối với lấy mũi vùng tỵ dịch hầu sẽ không bị ảnh hưởng gì, do vậy độ chính xác sẽ cao hơn.
TS Vân cảnh báo nếu thị trường dụng cụ xét nghiệm nhanh khan hiếm, không loại trừ có hàng kém chất lượng, do vậy người dân cần tìm mua ở các cơ sở uy tín.
PGS Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết xét nghiệm nhanh kháng nguyên bằng nước bọt đã được các nước trên thế giới nghiên cứu, tuy nhiên kết quả cho thấy độ đặc hiệu, độ chính xác kém hơn so với lấy mẫu vùng tỵ hầu. Với các loại xét nghiệm ngậm thì cũng chính là hình thức khác của xét nghiệm nước bọt.
"Người dân chỉ nên mua bộ xét nghiệm trong danh mục Bộ Y tế cấp phép, những sản phẩm chưa được cho phép lưu hành sử dụng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, nhất là các loại bán trôi nổi trên thị trường", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, chỉ có một số người như bị kích ứng mũi không thể lấy mẫu vùng tỵ hầu mới phải lấy mẫu nước bọt, tuy nhiên độ nhạy kém hơn, chỉ phát hiện tạm thời nếu virus nhiều.
Thị trường mạng đang sôi nổi một loại xét nghiệm mới bằng cách ngậm nhưng thực tế chưa biết chất lượng ra sao. Giá bán của loại này cao hơn cả các loại lấy dịch mũi khác, dao động từ 75.000 - 90.000 đồng/bộ. |