Sau khi giá xăng tăng đến gần 30.000 đồng/lít, tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng bắt đầu tăng giá bán.
Anh Tình đang là chủ quán cơm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 cho biết, anh thường mua nguyên liệu ở chợ truyền thống về chế biến thức ăn. Sau khi giá xăng liên tục tăng, một số mặt hàng như rau củ, các loại thủy hải sản cũng tăng giá, riêng một số loại mì và gia vị tăng giá 5%.
“Giá hải sản, cá biển giá bắt đầu tăng cao từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, đường, nước mắm, bọt ngọt cũng tăng giá. Giá dầu ăn so với lúc trước đã tăng thêm rất nhiều”, anh Tình chia sẻ.
Chị Tâm, chủ một tiệm tạp hóa lớn ở đường Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh cho hay, sau khi giá xăng tăng, giá hàng loạt các mặt hàng như dầu ăn, đường, bánh ngọt, mì gói, mì vắt… cũng đã tăng giá. Riêng dầu ăn tăng giá nhiều nhất, từ đầu năm đến nay đã tăng từ 10.000 đồng đến hơn 15.000 đồng/lít. Từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, do sức mua giảm và một số mặt hàng lại tăng giá cao nên chị Tâm không nhập về nhiều mà chỉ lấy hàng đến đâu bán đến đó.
“Mặt hàng dầu ăn tháng trước có giá 46.000 đồng/lít, cách đây 1 tuần nhà cung cấp báo cửa hàng phải bán tăng lên 48.000 đồng/chai/lít. Mới hôm qua, họ lại báo phải bán lên giá 50.000 đồng/chai/lít, chỉ trong 1 tuần mà báo tăng giá 2 lần. Mì tôm đã tăng giá giờ sẽ tăng tiếp, xì dầu đã tăng giá và kem đánh răng cũng tăng, nói chung rất nhiều mặt hàng tăng giá”, chị Tâm thông tin.
Hiện nay, giá hàng tiêu dùng thiết yếu tăng chủ yếu là ở các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ. Tại hệ thống siêu thị của thành phố, hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ mức giá ổn định.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố có chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Các doanh nghiệp tham gia đã cam kết giữ giá hàng hoá bình ổn, sẽ không tăng giá đến cuối tháng 3 này.
“Hàng hóa ở các hệ phân phối đều được thống nhất giá với nhau. Các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại đã nhận được nhiều đề xuất điều chỉnh tăng giá của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, đến nay gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét điều chỉnh. Các hệ thống phân phối đang rà soát, kiểm tra tính toán các yếu tố đầu vào, các đề xuất và nếu có cơ sở, hợp lý thì mới xem xét điều chỉnh”, ông Phương nêu rõ.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại ở TP.HCM, hiện nay nhiều nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu đã đề nghị tăng giá nhưng các siêu thị chưa điều chỉnh giá bán và chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí để giữ mức giá cũ, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Một số siêu thị như Co.opmart, Mega Martket còn khuyến mãi kích cầu, tạo điều kiện cho người tiêu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu với giá tốt.
Đại diện Mega Martket cho biết, nhiều nhà cung cấp đã báo giá một số mặt hàng tăng khoảng 3%, riêng dầu ăn tăng nhiều nhất, từ 15-20%. Tuy nhiên, về dài hạn doanh nghiệp này cho hay họ cũng chưa biết sẽ giữ giá ổn định được bao lâu, khi giá xăng đang tăng cao dẫn tới giá nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất đều tăng.