Giá cao khiến tâm lý người muốn mua và thuê bất động sản sụt giảm mạnh

(ĐTTCO) - Mặt bằng chung của giá các sản phẩm bất động sản (BĐS) trên thị trường vẫn neo ở mức cao đang là rào cản khiến tâm lý người tiêu dùng đối với mặt hàng này sụt giảm.
Giá cao khiến tâm lý người muốn mua và thuê bất động sản sụt giảm mạnh
Báo cáo “Chỉ số tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam - CSS cho nửa cuối năm 2022” của Badongsan.com.vn vừa công bố cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng muốn mua hoặc thuê BĐS sụt giảm mạnh.
Chỉ có khoảng 25% đáp viên cho biết họ có dự định mua BĐS trong 1 năm tới, với tỷ lệ muốn mua sản phẩm thứ cấp và sơ cấp xấp xỉ nhau. Lý do hàng đầu của họ khi mua BĐS là để đầu tư, sau đó là để có môi trường sống thuận tiện hơn và có thêm không gian cho con cái, bản thân. 
Trong khi đó, có tới hơn 70% số người được hỏi không có kế hoạch mua hay thuê BĐS nào trong năm tới. 
Rào cản lớn nhất đối với việc mua BĐS là giá BĐS cao, tiếp đó là những khó khăn liên quan đến vay mua nhà như lãi suất vay cao và người muốn mua nhà không đủ khả năng để vay từ ngân hàng. 
Giá cao khiến tâm lý người muốn mua và thuê bất động sản sụt giảm mạnh ảnh 1
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam - CSS nửa cuối năm 2022 giảm 7 điểm so với nửa đầu năm (từ 47 giảm còn 40). Trong đó, mức độ lạc quan của người tiêu dùng giảm mạnh nhất khi đề cập đến khả năng tăng giá BĐS trong tương lai (giảm 22 điểm) và các chính sách hiện tại của Chính phủ (giảm 9 điểm).
Gần đây, Chính phủ ban hành các biện pháp, quy định nhằm điều tiết và kiểm soát thị trường BĐS. 14% số người được hỏi đánh giá tích cực tác động từ các chính sách của Chính phủ và 19% đánh giá tiêu cực. 
Bên cạnh đó, đa phần đáp viên cho rằng vẫn chưa xác định được các chủ trương, chính sách này liệu có tác động tốt đến việc điều tiết giá nhà vì chúng cần thêm thời gian để được thi hành và ảnh hưởng đến thị trường. 
Lượt quan tâm đến BĐS toàn quốc các tháng gần đây liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm BĐS trong 3 tháng liên tiếp là  4, 5, 6 lần lượt giảm 6%, 11%, 13% so với cùng kỳ năm 2021. 

Các tin khác