Mức tồn kho quá thấp
Ấn tượng nhất trong thời gian đường tăng giá đến từ cổ phiếu LSS với mức tăng 265% kể từ giữa tháng 11-2022 đến cuối tháng 7. Cổ phiếu SBT dù có mức tăng thấp nhất cũng đạt con số 111% trong cùng khoảng thời gian. Đó quả thực là kết quả không thể đẹp hơn đối với các nhà đầu tư chứng khoán đã đặt kỳ vọng vào ngành cổ phiếu mía đường.
Xu hướng tăng của giá đường được hỗ trợ bởi việc tỷ lệ tồn kho trải qua 4 năm giảm liên tiếp. Báo cáo gần nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho thấy tồn kho đường toàn cầu cuối mùa vụ 2023-2024 dự kiến chỉ ở mức 33,46 triệu tấn, giảm tới 15,2% so với mùa vụ trước. So với nhu cầu tiêu thụ được dự báo đạt 180 triệu tấn đường, tỷ lệ tồn kho so với nhu cầu tiêu thụ chỉ ở mức 18,6%, thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay.
Tổ chức Đường Quốc tế mới đây dự đoán mức thâm hụt 2,12 triệu tấn cho thị trường đường toàn cầu mùa vụ 2023-2024, do sản lượng đường thế giới giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bởi thời tiết El Niño ảnh hưởng đến các nước sản xuất đường lớn ở Đông Nam Á, Ấn Độ và Úc.
Việc Brazil tăng cường tiêu thụ bắp để sản xuất ethanol đang khiến giá đường nằm trong xu hướng giảm.
Sản lượng giảm do thời tiết nên Ấn Độ khó xuất khẩu đường trong mùa vụ 2023-2024, do sản lượng bị giảm đáng kể. Chính phủ Ấn Độ cũng dự kiến sẽ cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong mùa vụ bắt đầu từ tháng 10, lần đầu tiên sau 7 năm do thời tiết thiếu mưa làm giảm năng suất mía của nước này.
Mặc dù Ấn Độ có thể sẽ đón lượng mưa trung bình vào tháng 9 (sau khi chứng kiến tháng 8 khô hạn nhất trong hơn 1 thế kỷ), nhưng năng suất vẫn sẽ giảm so với mùa vụ trước. Thậm chí, ngành mía đường Ấn Độ còn dự báo thời tiết có thể ảnh hưởng tới cả mùa vụ 2024-2025. Trong khi đó tại Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới trong mùa vụ trước, chỉ có khoảng 1,7 triệu tấn đường để xuất khẩu trong mùa vụ 2023-2024, là khối lượng xuất khẩu nhỏ nhất của quốc gia này trong 15 năm qua.
Xuất hiện yếu tố gây sức ép
Giá đường trong bối cảnh sắp tới có thể bước vào xu hướng giảm, nhờ một loại cây trồng dường như hoàn toàn không liên quan. Sản lượng bắp từ cường quốc nông nghiệp Brazil đang tăng mạnh, khiến việc sử dụng ngũ cốc để sản xuất ethanol - loại nhiên liệu quan trọng cung cấp năng lượng cho ô tô tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin - mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Kết quả, các nhà máy nghiền mía có thể phải tìm cách sản xuất nhiều đường hơn, thay vì sản xuất nhiên liệu sinh học, do sự cạnh tranh với nhiên liệu sinh học từ bắp.
Hãng tư vấn hàng hóa Green Pool nhận định làn sóng đầu tư vào sản xuất ethanol từ bắp đang diễn ra. Bắp đang chiếm thị phần tăng lên trong thị trường ethanol ở Brazil, quốc gia chỉ đứng sau Mỹ trong số các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học toàn cầu. Ethanol từ bắp sẽ chiếm gần 20% tổng sản lượng nhiên liệu trong mùa vụ này, từ mức gần như bằng 0% cách đây 5 năm.
Hãng nghiên cứu Datagro dự báo đến năm 2033, thị phần của bắp có thể tăng lên tới hơn 33% tổng nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất ethanol ở Brazil. Công ty Cerradinho Bioenergia SA chuyên sản xuất ethanol từ cả mía và bắp ở Brazil, dự kiến việc mở rộng nhiên liệu sinh học chủ yếu đến từ bắp, còn mía sẽ ưu tiên sản xuất đường. Và đó cũng chỉ là một trong số ngày càng nhiều nhà máy chuyển nhiều mía sang sản xuất đường, thậm chí làn sóng đầu tư vào máy móc sản xuất đường mới đang diễn ra.
Sản lượng bắp tăng ở Brazil đang mang lại lợi nhuận lớn hơn từ ethanol. Ngược lại, các nhà máy mía gần đây đã chứng kiến tỷ suất lợi nhuận từ việc sản xuất ethanol bị thu hẹp. Các nghiên cứu đánh giá cho thấy, chi phí sản xuất ethanol từ bắp thấp hơn 16% so với sản xuất nhiên liệu sinh học từ mía trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, nhu cầu về ethanol đã chững lại do người lái xe ưa chuộng xăng vì xăng rẻ hơn. Giá nhiên liệu sinh học được dự báo có thể giảm xuống mức thấp chỉ bằng 65-68% giá xăng trong dài hạn. Bởi mức giảm xuống dưới 70% sẽ thuyết phục nhiều tài xế chuyển sang sử dụng ethanol hơn, nhưng nó cũng sẽ hạn chế lợi nhuận của các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học.
Thống kê cho thấy các nhà máy mía đã lên kế hoạch tăng thêm khoảng 2,5 triệu tấn công suất để sản xuất đường trong những mùa vụ tới. Hãng nghiên cứu Hedgepoint Global Markets tính toán các nhà máy có thể sẽ tiếp tục tối đa hóa sản lượng đường trong ít nhất 2 mùa nữa.
Brazil có 8 nhà máy sản xuất ethanol từ bắp đang bổ sung công suất, trong khi 7 nhà máy mới khác đang được xây dựng. Nguồn cung nguyên liệu thô cũng dồi dào. Do đó, các phân tích ước tính Brazil sẽ tiêu thụ kỷ lục 13 triệu tấn bắp để sản xuất ethanol trong mùa vụ này, khoảng 10% tổng nguồn cung.
Đó là tin tốt cho các nhà trồng bắp ở bang Mato Grosso (Brazil) - khu vực đang phát triển quy mô lớn nhất, nhưng lại là triển vọng không tốt cho giá đường trong vài năm tới. Mặc dù vậy, đối với công tác quản lý vĩ mô, việc ngành đường và cả ngành bắp ở Brazil đều tăng quy mô sản xuất là dấu hiệu tích cực đối với nền kinh tế nước này, và việc giá đường nằm trong xu hướng giảm là có lợi đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới.