Giá gas thất thường: Ai nhiều hàng tồn sẽ hưởng lợi

Từ đầu năm đến nay, giá gas có đến cả chục lần điều chỉnh giá bán lẻ. Trong đó, số lần điều chỉnh tăng giá đến 7 lần, còn số lần giảm giá, tuỳ vào mỗi Cty nhưng chỉ 3-4 lần.

Từ đầu năm đến nay, giá gas có đến cả chục lần điều chỉnh giá bán lẻ. Trong đó, số lần điều chỉnh tăng giá đến 7 lần, còn số lần giảm giá, tuỳ vào mỗi Cty nhưng chỉ 3-4 lần.

Đặc biệt, chỉ trong 2 tháng 8 và 9, giá gas bán lẻ đã tăng thêm hơn 100.000 đồng/bình 12kg... khiến đời sống người tiêu dùng càng thêm khó khăn, còn lợinhuận cho các nhà kinh doanh thì tăng đáng kể.

Bước sang tháng 9, giá gas bán lẻ của các hãng tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 50.000 – 51.000 đồng/bình 12kg dù trong tháng 8 đã có đợt điều chỉnh tăng thêm 52.000 đồng/bình.

Theo ông Đỗ Trung Thành - Phó Phòng kinh doanh Saigon Petro - giá gas bán lẻ trong tháng 9 phải tăng do giá thế giới tăng thêm 175 USD/tấn so với giá đầu tháng 8, đạt mức 950USD/tấn.

Với mức tăng này, hiện giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng của các Cty xoay quanh mức 418.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, qua 2 lần điều chỉnh giá gas trong tháng 8 và 9, giá gas hiện nay đã tăng hơn 100.000 đồng/bình 12kg.

Các Cty kinh doanh gas cho biết, việc định ra giá gas bán lẻ trong nước vào đầu mỗi tháng phụ thuộc khá nhiều vào giá gas CP công bố trên thị trường thế giới vào đầu mỗi tháng. Đó chính là giá gas được công bố vào đầu tháng và được áp dụng cho các lô hàng giao trong tháng đó.

Do, hiện nay lượng gas do nhà máy Dinh Cố và Dung Quất thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sản xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nên các Cty kinh doanh gas vẫn phải phụ thuộc vào nguồn gas nhập khẩu (NK), giá gas bán lẻ trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá gas thế giới. Tuy vậy, tỉ lệ lượng gas mỗi Cty kinh doanh gas mua được từ nhà máy trong nước và NK khác nhau nên giá thành sản phẩm của mỗi Cty sẽ khác nhau.

Thế nhưng, thị trường gas hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt giữa các Cty nên hầu như các Cty khi quyết định giá gas bán lẻ đều “dòm ngó” nhau. Do vậy, vào đầu mỗi tháng, đa số các Cty công bố giá bán mới khá giống nhau hoặc chỉ chênh nhau 1.000 – 2.000 đồng/bình.

Giá gas liên tục tăng... người tiêu dùng bị thiệt

Điều đáng nói ở đây là thị trường gas hiện nay áp dụng việc điều chỉnh tăng – giảm giá gas theo sát diễn biến giá gas thế giới. Thế nên, ngay khi giá gas thế giới giao trong tháng 9 được công bố vào ngày cuối tháng 8 là sẽ tăng, thì thị trường trong nước cũng lập tức công bố giá gas mới áp dụng vào đầu tháng.

Thị trường gas lâu nay đã hoạt động theo quy luật “mua đứt – bán đoạn” nên trong trường hợp giá gas tăng, nhất là tăng mạnh với mức 50.000 đồng/bình 12kg thì những đại lý, cửa hàng kinh doanh nào còn nhiều hàng tồn sẽ lập tức được một khoản lợi nhuận đáng kể.

Dĩ nhiên, với quy luật hoạt động này, trong trường hợp giá gas công bố giảm, các cửa hàng, đại lý cũng bị thua lỗ. Tuy nhiên, qua các lần điều chỉnh, giá gas hiện nay tăng hơn 75.000 đồng/bình so với đầu năm nên các đại lý, cửa hàng phần nhiều là lời hơn là lỗ.

Còn với mức giá gas tăng cao như hiện nay, đã không ít người tiêu dùng nhận ra rằng dùng bếp từ còn rẻ hơn dùng gas.

Và nếu giá gas còn tiếp tục giữ ở mức cao trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, chắc chắn người tiêu dùng sẽ lựa chọn và tìm nguồn nhiên liệu khác thay thế để đun nấu. Khi đó phần thiệt sẽ không phải là người tiêu dùng.

Các tin khác