![]() |
Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết giá lương thực toàn cầu đã tăng 3 tháng liên tiếp và tăng vọt trong tháng 3-2012, gieo thêm nỗi sợ về nạn đói và làn sóng bất ổn xã hội ở các nước nghèo.
Chỉ số giá lương thực của FAO - đo mức giá thay đổi hàng tháng đối với rổ lương thực gồm ngũ cốc, dầu thực vật, thịt, sữa và đường - đạt trung bình 215,9 điểm trong tháng 3-2012, tăng từ 215,4 điểm trong tháng 2-2012.
Mặc dù dưới đỉnh cao 237,9 điểm của tháng 2-2011, chỉ số này vẫn cao hơn mức đỉnh trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008, làm tăng báo động toàn cầu. Phát ngôn viên của Chương trình Lương thực thế giới, bà Emilia Casella, cho biết: “Các cuộc khủng hoảng lương thực vẫn chưa chấm dứt. Giá cả là mối quan tâm lớn đồng thời là nguyên nhân khiến chưa có an ninh lương thực”.
Chuyên gia phân tích kinh tế và lương thực cấp cao của FAO, ông Abdolreza Abbassian, dự báo giá lương thực sẽ tăng trong nửa đầu năm nay, đặc biệt với ngô, đậu nành, và có thể là lúa mì. Giá lương thực tăng đồng nghĩa với việc chi phí nhập khẩu lương thực cao hơn đối với các nước nghèo không sản xuất đủ lương thực.
Theo dự báo của FAO, chi phí nhập khẩu lương thực của nước có thu nhập thấp thiếu lương thực (LIFDCs) sẽ tăng lên mức kỷ lục 32,62 tỷ USD giai đoạn 2011-2012 từ 32,28 tỷ USD giai đoạn 2010-2011. Khi đó, các nước nghèo sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn xã hội nếu không đủ ngân sách nhập khẩu lương thực.
Bên cạnh đó, giá lương thực sẽ biến động mạnh do ảnh hưởng của thời tiết ở các nước sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, giá đậu tương kỳ hạn tại Hoa Kỳ đã tăng khoảng 7% trong tháng 3-2012 do những lo ngại về thắt chặt nguồn cung khi tình trạng hạn hán kéo dài ở Nam Mỹ.
Giá lương thực cao kỷ lục vào năm ngoái là một trong những nguyên nhân bùng nổ cuộc biểu tình “Mùa xuân Ả-rập” ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như các cuộc biểu tình ở các khu vực khác trên thế giới.
Ngoài ra, giá lương thực tăng cao gây áp lực mới về hoạch định chính sách trên toàn cầu tại thời điểm nhiều chính phủ có ít ngân sách hơn cho vấn đề này.