Theo chia sẻ của bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký hiệp hội nhựa Việt Nam, giá nguyên liệu cho sản xuất nhựa đang có xu hướng giảm khoảng 10%. Điều này hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, nhất là nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa. Lý do hàng nội địa rất khó lên giá khi nguyên liệu tăng.
Về xu hướng trong thời gian tới, bà Mỹ cho rằng rất khó đoán vì nguyên liệu nhựa của Việt Nam phần lớn là nhập khẩu, nên phụ thuộc giá thế giới. Tuy nhiên trong khoảng 2-3 tháng tới giá có thể giảm thêm. Nguyên nhân là Ấn Độ một trong những thị trường tiêu thụ lượng nguyên liệu cho ngành nhựa lớn, đang gặp khó vì Covid-19, có thể hỗ trợ nguồn cung dồi dào hơn.
Không được đón thông tin giá giảm như ngành nhựa, nhưng thời gian này các doanh nghiệp dệt may cũng dễ thở hơn quý I đôi chút.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch hội dệt may thêu đan TPHCM, cho biết theo phản ánh của các doanh nghiệp, giá nguyên liệu đầu vào thời điểm này tương đối ổn định. Lâu nay dệt may cũng là ngành phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, nên bất cứ biến động tăng giá nào cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngành mà doanh nghiệp khủng hoảng về giá nguyên liệu tăng, như ngành cơ khí.
Trao đổi với ĐTTC, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, cho biết hiện giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng rất cao, nhiều mặt hàng nguyên liệu tăng từ 30-40%. Đặc biệt ngành cơ khí kết cấu thép bị ảnh hưởng bởi giá thép tăng phi mã. Doanh nghiệp làm thì lỗ mà không làm cũng không được, nên hết sức khó khăn.