Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng, giá nhôm thế giới đã sụt giảm nhanh chóng, đối lập với quãng thời gian giá nhôm tăng nóng trước đó. Tính từ đầu năm 2021 cho đến khi thiết lập mức đỉnh ngày 18-10-2021, giá nhôm trên sàn Thượng Hải đã tăng hơn 40%, và giá nhôm trên sàn LME cũng tăng gần 39%.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới các mức biến động giá mạnh của thị trường nhôm trong thời gian qua? Và các yếu tố nào sẽ ảnh hưởng tới giá nhôm trong thời gian tới?
Theo thống kê của Cục khảo sát Địa chất Mỹ, sản lượng nhôm của thế giới năm 2020 khoảng 65,2 triệu tấn. Trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 56,7% với sản lượng 37 triệu tấn.
Về phía nhu cầu tiêu thụ, Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất với 39 triệu tấn (năm 2020 theo Statista), chiếm quá nửa nhu cầu tiêu thụ nhôm của thế giới. Do đó, các yếu tố cung – cầu diễn ra tại thị trường Trung Quốc có tác động rất lớn tới xu hướng tăng-giảm của giá nhôm thế giới.
Thống kê theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Bên cạnh đó, trong hoạt động sản xuất nhôm, chi phí điện chiếm tỷ trọng 30-40% các chi phí đầu vào sản xuất. Do đó, các yếu tố tác động đến chi phí điện cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng giá nhôm thế giới.
Theo thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, tùy theo khu vực/quốc gia, hoạt động sản xuất nhôm sẽ dựa trên nguồn điện năng được khai thác từ các loại nhiên liệu như: Hydro, than, khí gas, hạt nhân, nhiên liệu tái tạo…
Tỷ trọng nhiên liệu tiêu thụ cho sản xuất nhôm (theo Bộ Năng lượng Mỹ).
Trong đó, ngành sản xuất nhôm phụ thuộc nhất vào nguồn nhiên liệu than (chiếm tỷ trọng 59% trong các loại nhiên liệu cung cấp điện năng), tiếp theo là khí gas (tỷ trọng 26%). Như vậy, diễn biến giá cả các loại nhiên liệu như than và khí gas sẽ tác động không nhỏ đến giá thành sản xuất nhôm.
Việc giá nhôm trong xu hướng tăng liên tục từ đầu năm 2021 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc, mà nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn cung cấp than, dẫn tới giá than tăng đột biến.
Mối liên quan giữa giá than và giá nhôm được thể hiện qua biểu đồ bên dưới, theo đó hệ số tương quan tính toán được giữa hai mặt hàng này là 0,96. Đây được xem là mức độ tương quan rất cao.
Khi giá than tăng quá cao, các nhà máy nhiệt điện (sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào) đã phải đóng cửa ngừng sản xuất, hoặc thu hẹp sản xuất. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu điện trên diện rộng tại Trung Quốc và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các nhà sản xuất nhôm, buộc các nhà máy nhôm phải cắt giảm sản lượng dẫn tới thiếu hụt nguồn cung nhôm, làm giá nhôm tăng mạnh.
Tuy nhiên, kể từ ngày 18-10-2021, khi giá than có dấu hiệu hạ nhiệt, và suy giảm từ đó tới nay, giá nhôm cũng đã giảm trở lại.
Diễn biến cũng tương tự đối với các nhà máy sản xuất nhôm dựa trên nguồn điện năng từ khí gas. Mức độ tương quan giữa giá nhôm và giá khí gas cũng ở mức rất cao là 0,97. Trong khi đó, giá khí gas giao dịch trên sàn Nymex cũng có sự tăng giá mạnh mẽ với mức tăng 168% kể từ đầu năm 2021, dẫn tới hàng loạt nhà máy sản xuất nhôm sử dụng công nghệ từ khí gas đã phải đóng cửa.
Do hoạt động sản xuất nhôm bị gián đoạn/thu hẹp dẫn tới thiếu hụt nguồn cung làm cho giá nhôm tăng cao. Hiện tại, giá khí gas cũng đã hạ nhiệt kể từ giữa tháng 10-2021, cùng thời điểm với sự bắt đầu hạ nhiệt của giá than và cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc.
Liệu cuộc khủng hoảng giá tăng đối với than và khí gas đã chấm dứt?
Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Á đang từ từ hạ nhiệt. Nguồn cung than đá đang dần tăng trở lại sau khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu các mỏ than nhanh chóng đẩy mạnh sản lượng cũng như dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu than.
Do đó, tính đến đầu tháng 11-2021, chỉ còn vài tỉnh ở Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tình trạng mất điện do nguồn cung cấp nhiên liệu bị thắt chặt, giảm bớt với khoảng 20 tỉnh so với thời điểm giữa tháng 10-2021.
Bên cạnh đó, ngày 12-10-2021, chính phủ Trung Quốc đã có động thái quyết liệt nhất trong cuộc cải cách ngành điện kéo dài hàng thập kỷ bằng cách cho phép các nhà máy nhiệt điện tăng giá bán điện. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà máy điện mở cửa sản xuất trở lại do giá bán điện mới có khả năng đảm bảo được lợi ích sản xuất khi giá than vẫn đang tương đối cao như hiện nay.
Bên cạnh sự hạ nhiệt của giá than, diễn biến xu hướng giá khí gas cũng đã chuyển sang xu hướng giảm. Với việc giá nhiên liệu đầu vào hạ nhiệt, các nhà máy sản xuất nhôm có thể quay trở lại sản xuất giúp nguồn cung nhôm trở lại bình thường, đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ đó giúp xu hướng giá nhôm trở nên ổn định hơn, ít có khả năng xuất hiện các đợt biến động giá lớn như giai đoạn vừa qua.