Chiều 7-11, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) thông tin về việc tăng giá nước sinh hoạt trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, từ ngày 15-11, giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố sẽ tăng từ 5.300 đồng/m3 (hiện nay) lên 5.600 đồng/m3.
Giá nước sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng lên 6.000 đồng/m3 (năm 2020), 6.300 đồng/m3 (năm 2021) và 6.700 đồng/m3 (năm 2022), vào đầu mỗi năm.
Riêng đối với hộ nghèo và cận nghèo, trong năm 2019, giá nước vẫn giữ mức hiện nay (5.300 đồng/m3) nhưng sẽ tăng lên 5.600 đồng/m3 (năm 2020), 6.000 đồng/m3 (năm 2021) và 6.300 đồng/m3 (năm 2022).
Giá này chưa bao gồm thuế GTGT và chỉ áp dụng cho định mức đến 4m3/người/tháng. Trường hợp sử dụng vượt định mức thì tùy vào số lượng sử dụng (từ 4-6m3/người/tháng và trên 6m3/người/tháng) sẽ có mức giá cao hơn.
Việc sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt được xác định là các hộ dân sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; các khu dân cư, chung cư, khu lưu trú công nhân, các cư xá, ký túc xá; các cơ sở xã hội, cơ sở chữa bệnh - cai nghiện (thuộc Sở LĐ-TB&XH và Lực lượng TNXP TP) sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố.
Sawaco khẳng định, các đơn vị cấp nước sẽ liên hệ UBDN cấp phường để nắm danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở điều chỉnh giá nước. Ngoài ra, các đơn vị cấp nước cũng sẽ thông báo rộng rãi để khách hàng chủ động liên hệ đơn vị cấp nước đăng ký nếu thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Hồ sơ đăng ký gồm: bản sao sổ hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú và bản sao quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND cấp phường.
Về định mức sử dụng nước sẽ được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn căn cứ theo sổ hộ khẩu thường trú và sổ tạm trú.
Sinh viên và người lao động thuê nhà ở (không có hộ khẩu thường trú tại TPHCM) từ 12 tháng trở lên, căn cứ vào giấy xác nhận tạm trú và hợp đồng thuê nhà (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) được tính định mức như người thường trú.
Đối với các cơ quan, đơn vị khác, Sawaco áp dụng đơn giá nước cao hơn. Cụ thể, cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể là 10.900 đồng/m3 (năm 2019), 11.600 đồng/m3 (năm 2020), 12.300 đồng/m3 (năm 2021) và 13.000 đồng/m3 (năm 2022).
Đơn vị sản xuất là 10.200 đồng/m3 (năm 2019), 10.800 đồng/m3 (năm 2020), 11.400 đồng/m3 (năm 2021) và 12.100 đồng/m3 (năm 2022).
Đơn vị kinh doanh, dịch vụ là 17.900 đồng/m3 (năm 2019), 19.000 đồng/m3 (năm 2020), 20.100 đồng/m3 (năm 2021) và 21.300 đồng/m3 (năm 2022).
Theo Sawaco, việc điều chỉnh giá nước như trên là căn cứ vào Quyết định 25/2019 của UBND TPHCM về ban hành giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố lộ trình 2019-2022.
Lý giải thêm nguyên do, Sawaco cho hay, giá nước hiện nay là áp dụng theo lộ trình 2009-2013. Tuy nhiên, giá nước từ năm 2014 vẫn áp dụng theo đơn giá nước năm 2013.
Việc điều chỉnh giá nước là yêu cầu bức thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành cấp nước hiện nay cũng như tương lai lâu dài. Cụ thể, tăng giá nước sẽ giúp ngành cấp nước thành phố có đủ nguồn lực bù đắp các chi phí đầu vào (năng lượng, hóa chất, nguyên vật liệu…) ngày càng tăng và có nguồn lực thực hiện lộ trình giảm thất thoát nước (hiện nay đạt kết quả sớm hơn và thấp hơn nhiều so với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Việc tăng giá nước cũng để ngành cấp nước có nguồn lực đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm nguồn nước mặt gia tăng, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.