Giá rét đảo lộn cuộc sống người dân

(ĐTTCO) - Tình trạng rét đậm rét hại tiếp tục với cường độ mạnh trên diện rộng ở nhiều khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Người giả, trẻ em nhập viện gia tăng, học sinh nhiều trường phải nghỉ học.

Phụ nữ và trẻ em ở bản Cáo (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) sưởi ấm. Ảnh: MINH PHONG

Phụ nữ và trẻ em ở bản Cáo (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) sưởi ấm. Ảnh: MINH PHONG

Giá lạnh bao trùm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sáng và trưa 21-2, nền nhiệt độ ở Hà Nội và đồng bằng sông Hồng đã nhích lên 2-3°C do không khí lạnh có cường độ ổn định, nhưng đến chiều 21-2, rét buốt xuất hiện trở lại.

Trong khi đó, vùng núi cao thuộc Bắc bộ và Bắc Trung bộ vẫn tiếp tục rét đậm rét hại cường độ mạnh trên diện rộng. Nhiệt độ tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) xuống còn -0,8°C; tại Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 2°C; đèo Pha Đin (Điện Biên) 2,2°C; Mộc Châu (Sơn La) 3°C; những nơi khác hầu như dưới 8-9°C… 

Tại Mẫu Sơn, băng giá tiếp tục phủ trắng núi rừng. Tại tỉnh Lào Cai, băng giá từ đỉnh núi Lảo Thẩn đã tràn xuống các bản làng ở xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát khi nhiệt độ xuống -1,2°C. Từ đêm 20 đến sáng 21-2, nhiệt độ giảm sâu, tại đỉnh đèo Ô Quý Hồ, khu vực giáp ranh thuộc địa phận xã Sơn Bình (Tam Đường - Lai Châu) và thị xã Sa Pa (Lào Cai) cũng đã xuất hiện băng giá. Đến chiều 21-2, nhiều khu vực vẫn chìm trong băng giá, sương muối nặng.

Dự báo ngày 22-2, Bắc bộ và Bắc Trung bộ ít mưa hơn, một số khu vực có nắng trở lại nhưng vẫn rét hại bao trùm diện rộng, nhiệt độ phổ biến là 8-11°C, vùng núi 3-6°C, vùng núi cao Bắc bộ có nơi dưới 0°C. 

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, từ đêm 22-2, không khí lạnh lại được tăng cường với cường độ rất mạnh, nên từ ngày 23-2 đến 25-2, nhiệt độ Hà Nội và nhiều nơi ở đồng bằng sông Hồng quay trở lại mức 8-9°C, vùng núi cao tái diễn hiện tượng băng giá, rét hại diện rộng.

Thiệt hại lớn

 Ngày 21-2, Bộ NN-PTNT và các địa phương nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng của băng giá đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra tình hình thiệt hại. Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, cho biết, người dân khu vực Trung Chải, Hoàng Liên, Tả Phìn… đã kịp sơ tán hơn 10.000 con trâu bò tránh rét.

Theo ông Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Văn (Hà Giang), nếu nhiệt độ thấp tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hơn 25.000 con trâu bò. Hiện ở đây vẫn còn gần 2.800 chuồng nuôi nhốt tạm bợ, không đủ tiêu chuẩn phòng chống rét.

Theo ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộc Châu (Sơn La), huyện này có 42 con trâu, bò chết do giá rét; 1 gia đình có nhà bị sập, hư hỏng hoàn toàn do sạt lở đất. UBND huyện Mộc Châu vẫn đang cập nhật tình hình, diễn biến không khí lạnh để thông tin cho người dân chủ động ứng phó.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, rét đậm rét hại nếu kéo dài đến hết tuần này sẽ ảnh hưởng khoảng 1,3 triệu con trâu; hơn 1 triệu con bò; 6,2 triệu con heo; gần 98 triệu con gia cầm và khoảng 127.000ha rau màu, 67.231ha nuôi trồng thủy sản... tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Tây Trung bộ.

Tại Thanh Hóa, rét đậm cộng với mưa gây giá lạnh tê tái nên rất ít người dân ra đường. Một số nơi là địa điểm tập trung “chợ lao động” như khu vực đầu cầu Bố, đường Quang Trung (TP Thanh Hóa) chỉ lác đác mấy người ngồi đợi việc. Để chống lại giá rét, họ phải nhặt nhạnh củi, giấy đốt lửa sưởi ấm.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện rẻo cao Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), cho biết, trong ngày 21-2, nhiệt độ trên địa bàn huyện còn dưới 6°C, cá biệt có một số nơi như Mường Lống còn 3-4°C. Đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại về gia súc do giá rét gây ra, tuy nhiên, huyện đã chỉ đạo chính quyền các xã hỗ trợ bà con che chắn chuồng trại, đưa đàn trâu bò thả rông trong rừng về nhà “mặc áo” và đốt lửa sưởi ấm.

Giá rét đảo lộn cuộc sống người dân ảnh 1Công nhân điện lực huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) dầm mình trong giá rét khắc phục sự cố điện ngày 20-2. Ảnh: VĂN PHÚC

Trẻ con nghỉ học, người lớn nhập viện

 Ghi nhận tại nhiều bệnh viện tại Hà Nội và một số tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, số bệnh nhân nhập viện do ảnh hưởng rét đậm, rét hại đang gia tăng, nhất là ở người cao tuổi và trẻ em.

Hiện nay, Khoa Cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận điều trị gần 100 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đột quỵ, tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Bệnh nhân đến khám về các bệnh hô hấp, đau nhức xương khớp cũng tăng 10%-20%.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, số lượng bệnh nhân nhập viện cũng gia tăng, nhất là các bệnh về tim mạch, huyết áp, hô hấp. Trong khi đó, tại các bệnh viện của Hà Nội như: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Việt Nam - Cuba, lượng bệnh nhân là người cao tuổi đến khám cũng tăng khá cao.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh quyết định cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học nghỉ từ ngày 21-2 đến ngày 25-2 để phòng chống rét đậm, rét hại.

Tỉnh Quảng Ninh tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ từ ngày 21 đến hết ngày 25-2 để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại.

Các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình cũng quyết định cho học sinh các trường mầm non và trường tiểu học nghỉ tránh rét đậm, rét hại… 

Các tin khác