Đáng lo ngại, hiện nay, nhiều người vẫn chủ quan khi có tới 80% bệnh nhân bị sỏi mật có biến chứng, mới đi khám bệnh.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) thực hiện ca phẫu thuật nội soi sỏi mật
Liên quan đến lối sống
Khoa Phẫu thuật gan, mật (Bệnh viện Việt Đức) thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá muộn với lượng sỏi được hình thành trong cơ thể lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm viên. Trao đổi với phóng viên, bệnh nhân T.N.H. (62 tuổi, ở Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết: “Trước đây, tôi thỉnh thoảng bị đau quặn bụng vào ban đêm và nôn ói, nhưng cứ nghĩ là do ăn uống và dạ dày. Gần đây, cơn đau xảy ra nhiều hơn và chủ yếu ở hạ sườn phải. Sau khi tới bệnh viện khám, được các bác siêu âm, chẩn đoán bị viêm túi mật do sỏi và được chỉ định phẫu thuật nội soi, cắt bỏ túi mật. Sau phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được hơn 50 viên sỏi và hiện nay sức khỏe đã ổn hơn nhiều”.
Theo TS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật gan, mật (Bệnh viện Việt Đức), mỗi năm khoa khám cho khoảng 3.000 người mắc các bệnh lý về gan, mật và thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật, trong đó có tới hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật. “Tỷ lệ người dân mắc sỏi mật rất cao, 90% các bệnh lý về sỏi đường mật trong và ngoài gan có liên quan bệnh lý về tụy và gan. Các ca bệnh đến khám tại bệnh viện liên quan tới bệnh lý này hầu hết đều ở giai đoạn muộn”, TS Đỗ Tuấn Anh chia sẻ và cảnh báo về tình trạng nhiều người chủ quan với bệnh sỏi mật. Đa số người tới khi phát hiện triệu chứng của bệnh, tức là có biến chứng rồi mới tới cơ sở y tế.
Trong khi đó, qua khảo sát, hiện nay, số người mắc sỏi mật ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Trong đó, người dân ở nông thôn mắc sỏi mật phần lớn do nhiễm ký sinh trùng từ tập quán trồng hoa màu dùng phân sống để tưới. Hoặc trẻ ở nông thôn, do vệ sinh không bảo đảm nên nhiễm giun chui lên đường mật gây nhiễm trùng, tạo thành sỏi trong mật. Tuy nhiên, nguy cơ sỏi mật do ký sinh trùng càng ngày càng ít, do người dân đã biết tẩy giun định kỳ, ăn chín uống sôi. Trong khi đó, sỏi mật do cholesterol lại thường gặp hơn, tập trung nhiều ở khu vực thành thị, do chế độ ăn nhiều chất béo, lối sống hạn chế vận động dẫn tới tích sỏi cholesterol ở trong mật. Ngoài ra, nếu trước đây bệnh sỏi mật hay gặp ở tuổi trung niên thì nay đang có xu hướng gặp ở người trẻ, người béo phì do liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid và đái tháo đường.
Nhiều biến chứng
Theo các bác sĩ, có 2 loại sỏi mật là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Khoảng 80% sỏi mật chủ yếu là do lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật; 20% còn lại có thể gặp sỏi sắc tố mật liên quan đến nồng độ cao bất thường của sắc tố mật bilirubin. Mặc dù căn bệnh này không quá nguy hiểm nhưng lại diễn biến thầm lặng và nếu không được phát hiện, điều trị sớm thì không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
TS Đỗ Tuấn Anh cho biết, đối với người bị sỏi mật, nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới biến chứng viêm túi mật gây đau đớn và sốt cao. Bên cạnh đó có thể bị tắc nghẽn ống tụy do các viên sỏi mật chèn ép, lâu dần có thể gây viêm tụy. Biến chứng này gây đau bụng dữ dội và cần phải nhập viện để xử lý. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân bị sỏi mật có nguy cơ mắc ung thư túi mật cao hơn người bình thường.
Mặc dù vậy, nhưng theo các bác sĩ, bệnh sỏi mật phát hiện khá đơn giản qua siêu âm và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu người dân thấy đau bụng, đặc biệt đau vùng gan, sốt, trong cơn sốt có rét run, có dấu hiệu vàng da… cần phải đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu người dân chủ quan, không khám định kỳ khi có sỏi thì rất dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, phương pháp thông thường nhất xử lý sỏi mật là phẫu thuật.
Còn phương pháp tán sỏi qua da chỉ áp dụng với trường hợp bị sỏi túi mật vì sỏi túi mật thường cứng nên khi dùng xung sóng tán dễ vỡ hơn. Trong khi đó, với sỏi đường mật, tán sỏi ngoài cơ thể rất khó do cấu tạo đường mật hẹp, gấp khúc nên khó thành công. Hơn nữa, với sỏi đường mật, khi tán ngoài cơ thể thì khả năng cao gây tổn thương nhu mô gan, tụ máu, chảy máu đường mật, chảy máu trong gan do dùng xung sóng. Do đó, phương pháp chính là phẫu thuật, hoặc làm thủ thuật lấy sỏi qua nội soi ngược dòng.
Để phòng ngừa bệnh sỏi mật, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ; ăn uống điều độ, đúng giờ và tuyệt đối không nên bỏ bữa hoặc nhịn ăn thường xuyên vì có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Cùng với đó, cần duy trì cân nặng ổn định và thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Bệnh sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa do sự hình thành sỏi trong túi mật gây ra. Đây là một bệnh lý thường gặp, có khoảng 20% dân số trên thế giới từng mắc phải. Ở Việt Nam, sỏi mật chủ yếu gặp ở đường mật chính, trong đó, sỏi trong gan chiếm tỷ lệ 20%-56%; có khoảng 20% dân số sẽ phát triển sỏi mật trong cuộc đời của mình. |