
Dẫn đầu cho đà lao dốc của ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát khi cổ phiếu HPG về 22.600 đồng, tức giảm gần 36% so với thời điểm đầu năm. Giá trị vốn hóa theo đó bốc hơi hơn 72.800 tỷ về mức 131.400 tỷ đồng như hiện tại.
Một tập đoàn khác cũng chìm trong diễn biến tiêu cực là Hoa Sen với giá cổ phiếu HSG hiện chỉ còn 17.750 đồng, tương đương giá trị vốn hóa khoảng 8.850 tỷ đồng. Như vậy, cổ đông doanh nghiệp mất tổng cộng 9.800 tỷ đồng kể từ đầu năm.
Một số doanh nghiệp thép khác lao dốc với giá trị lớn khác đáng kể như Thép Việt Nam (TVN) mất hơn 5.600 tỷ đồng vốn hóa, Nam Kim (NKG) bốc hơi 3.100 tỷ, Pomina giảm hơn 2.100 tỷ. Hay Tisco, Đại Thiên Lộc, SMC, Thép Tiến Lên và Thép Việt Đức (VGS) đều ghi nhận vốn hóa bay hơi hơn nghìn tỷ đồng.
Trong tổng số 17 doanh nghiệp thép có giá trị vốn hóa từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ duy nhất mã VCA của Thép Vicasa đi ngược chiều tăng giá lên 15.000 đồng, tương ứng vốn hóa tăng nhẹ lên mốc 228 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn hóa các doanh nghiệp còn lại trong nhóm này đều bốc hơi dữ dội tổng cộng hơn 100.000 tỷ đồng (hơn 4,2 tỷ USD). Các cổ phiếu thép khác có quy mô khá nhỏ, thanh khoản thấp và không có tác động đáng kể đến xu hướng chung.
Cổ phiếu ngành thép lao dốc bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường chứng khoán chung thì còn có những quan ngại về triển vọng thị trường tiêu thụ ở mức thấp và chi phí sản xuất đầu vào tăng cao.
Không chỉ ở thị trường trong nước, giá bán thép trên thị trường thế giới cũng đang đà lao dốc khi cầu giảm. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu thụ thép.
Theo dự báo của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia công bố tháng 6-2022, dự báo nhu cầu tiêu thụ thép thô toàn cầu năm 2022 sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% so với năm 2021, trong đó nhu cầu của Trung Quốc giảm 1,4% và khu vực Châu Âu giảm 1,9%.
Giới phân tích nhận định, những tháng cuối năm 2022 sẽ thách thức cho ngành thép, nhưng năm 2023 mới là thời điểm khó khăn thực sự của ngành này.