Giá trị tiếng cười trong đời sống hiện đại

(ĐTTCO) - Trào phúng là một thể loại rất đặc thù và cũng rất hiếm hoi trong văn chương. Viết những chuyện bi thương để độc giả khóc, bao giờ cũng đơn giản hơn viết những chuyện hài hước để độc giả cười. 

Tác giả Lê Thiếu Nhơn có thể xem như một trong số ít cây bút có sở trường về văn chương trào phúng. Sau 2 tập “Người Việt biết đùa” in năm 2007 và “Cơn cao hứng đáng giá ngàn vàng” in năm 2019, ông vừa có thêm tập “Kế hoạch tỏa sáng khắp hành tình” do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành.

1. Lê Thiếu Nhơn được biết đến trong giới chữ nghĩa với nhiều vai trò nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học, nên ông có kỹ năng thu thập thông tin, quan sát sự vật để chuyển hóa những câu chuyện đời thường thành truyện ngắn trào phúng. Ngôn ngữ dí dỏm, cấu trúc gọn gàng, truyện trào phúng của Lê Thiếu Nhơn có dung lượng phù hợp với xu hướng tiếp cận của độc giả hiện đại vốn rất bận rộn.
Trong tập truyện mới, ngoài truyện “Thiên đường lộng lẫy như một cái bẫy ngọt ngào” tương đối dài, thì hầu hết còn lại đều gói ghém trên dưới 1.000 chữ. Chia sẻ về ấn phẩm mới, tác giả quan niệm: “Truyện trào phúng dù ngắn dù dài, cũng là một thể loại văn chương dành cho những người biết cười và dám cười. Bởi lẽ, truyện trào phúng lấy tiếng cười để khái quát những sự kiện nóng bỏng và những nhân vật xung quanh. Những sự kiện được soi rọi kiểu lắt léo và những nhân vật được tái hiện kiểu hí lộng, như một dị bản của bộ óc tưởng tượng, như một hồi âm của trái tim ân cần. Chốc lát vui nhộn thôi, không gây hại ai cả. Thế nhưng, chính tiếng cười cá nhân sẽ ít nhiều góp phần hóa giải mâu thuẫn xã hội, mà không cần bất kỳ hành động cụ thể nào”. 
Giá trị tiếng cười trong đời sống hiện đại ảnh 1
66 truyện trào phúng trong tập dẫn dắt người đọc vào một không gian nhiều cảm xúc. Có truyện để cười tủm tỉm, có truyện để cười sảng khoái, và cũng có truyện để cười ra nước mắt. Những nghịch lý và những trớ trêu khi được nhìn qua lăng kính trào phúng đã bật lên nhiều màu sắc khá thú vị. Như truyện “Khách hàng nhẹ dạ cả tin” phản ánh vấn nạn bằng cấp giả. Ở Trung tâm nhân tài Mây Ngàn có nhiều người có bằng cử nhân tiếng Anh giả. Khi sự thật bị phanh phui, cấp dưới lo lắng đứng ngồi không yên, nhưng sếp vẫn tỉnh bơ trấn an: “Cái bằng cử nhân tiếng Anh giả tôi biết từ lâu rồi. Vì họ cấp bằng tiếng Anh cho tôi mà tôi tưởng là tiếng Pháp. Bây giờ mọi thứ vỡ lở, chúng ta đích thực là những khách hàng nhẹ dạ cả tin. Chúng ta trả tiền thật mà họ lại bán bằng cấp giả. Họ có tội, chúng ta vô tội. Chúng ta không sao đâu, vì chúng ta là những người có uy tín trong xã hội, không ai được phép công khai tên tuổi của chúng ta đâu”.
Tương tự, truyện “Nghiệp vụ đu dây qua thị phi” phơi bày góc độ khác của ngành giáo dục. Giáo viên Thầy Đồ khi nhận xét học sinh không có ý thức yêu bạn kính thầy, đã bị phụ huynh nạt nộ: “Tôn sư trọng đạo chỉ dành cho những đứa làm thuê. Con của tui chỉ cần yêu ngoại tệ, kính quan chức là tương lai rộng mở!”. Bạn của Thầy Đồ đã tư vấn: “Nghề giáo thời đại siêu cấp phải có thêm nghiệp vụ đu dây. Giống như nghệ sĩ xiếc đấy, ông phải đu dây qua thị phi. Lúc mạng xã hội ồn ào thì ông đu dây qua hội phụ huynh, mà lúc hội phụ huynh ầm ĩ thì ông đu dây qua mạng xã hội. Hãy ghi nhớ, phía dưới là vực thẳm, lỡ chân thì toi mạng liền”. 
Truyện “Kinh doanh theo xu hướng quốc tế” bóc mẽ chiêu trò ba hoa lừa bịp. Ở làng Trí Tuệ có 3 hiện tượng Trung tâm truyền thông đa phương tiện Quốc tế với người đứng đầu là Nhà báo quốc tế Thông Thái, Công ty dịch vụ y khoa Quốc tế xuất hiện do Bác sĩ quốc tế Kiều Diễm lãnh đạo và Tập đoàn giáo dục Quốc tế của Giáo sư quốc tế Ranh Ma.
Phương châm hoạt động của họ khá cắc cớ: “Quốc tế nghĩa là không giống quốc gia nào. Thu học phí cao thì là Trường quốc tế, thu viện phí cao thì là Bệnh viện quốc tế, và thu thuế cao thì là Làng quốc tế”. Trong khi đó, truyện “Dành cả cuộc đời để làm siêu nhân” với nhân vật chính là Rách Rưới, người duy nhất không bao giờ đau ốm trong xóm Vịt Cồ được phong tặng danh hiệu Đại sứ Cường Tráng.
Sau lần định tự tử nhưng mua nhầm thuốc độc giả, Rách Rưới rút ra kinh nghiệm sống tích cực: “Những trò lừa đảo đã giúp tôi có diễm phúc được trui rèn qua lửa đỏ. Nói cách khác, tôi dành cả cuộc đời để làm nạn nhân của bịp bợm, và cuối cùng trở thành siêu nhân. Tôi bây giờ chẳng khác gì kim cương bất hoại. Không có loại vi trùng nào có thể xâm nhập vào cơ thể tôi, và cũng không có áp lực nào có thể làm tôi căng thẳng”.

2. Tác giả Lê Thiếu Nhơn đã khéo léo chuyển tải những thói tật và những tệ nạn vào tác phẩm để người đọc tự rút tỉa bài học riêng qua những tình huống tếu táo. Truyện trào phúng đòi hỏi tính thời sự, nhưng quan trọng nhất là phải khái quát hóa bằng giọng điệu và chi tiết mang phong cách cá nhân. Một số hiện tượng xã hội đã được mã hóa trong cuốn sách “Kế hoạch tỏa sáng khắp hành tinh” như “Nịnh 7 cấp độ”, “Xe công nhong nhong phục vụ việc riêng”, “Show diễn từ thiện trứ danh”, “Thánh livestream ngất ngây sung sướng”, “Thú chơi ảo giác tiền tỷ”, “Như ta đây là giang hồ mạng”...
Đặc biệt, có một mảng khá đậm nét trong cuốn sách chính là những vui buồn mùa dịch Covid-19. Nhiều con người và nhiều số phận trong những ngày ứng phó virus corona được miêu tả sinh động qua các truyện “Chỉ tại cái khẩu trang”, “Chiến dịch giải cứu thầy bói”, “Khoa học chuyên ngành đổ lỗi”, “Mỹ nam dùng tay trái chỉ trăng”, “Nghệ thuật cải trang siêu đẳng”, “Niềm vui rực rỡ từ cống hiến cá nhân”, “Phải tìm cách vượt trội bá tánh”, “Vụt sáng giữa mùa dịch”, “Tự nguyện cách ly lâu dài”... 
Có độ dày 300 trang, cuốn sách của Lê Thiếu Nhơn là tập truyện trào phúng đem lại nhiều bất ngờ cho bạn đọc. Năm nay 44 tuổi, đã xuất bản 12 đầu sách, Lê Thiếu Nhơn đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả chia sẻ về tập truyện bằng thái độ chân thành: “Biết đâu từ tiếng cười lặng lẽ của tôi, có thể khơi gợi tiếng cười rộn ràng cho những tâm hồn lạc quan khác. Và biết đâu, tiếng cười giúp chúng ta trưởng thành hơn và nhân ái hơn, giữa cuộc đời bộn bề nhiều thương khó lắm âu lo này”.

Các tin khác