Giá trị tượng đài ứng xử sao cho đúng

(ĐTTCO) - Ngày 29-6, UBND TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn có tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng, sẽ tạm dừng xây dựng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhân chuyện này, chúng ta bàn đến giá trị tượng đài và thái độ ứng sử sao cho đúng. 

Thiết kế và dựng tượng đài đang ngày càng phổ biến ở các đô thị trên thế giới, đến mức TP nào không có tượng đài bị coi là thiếu sự hoàn chỉnh trong tổ chức không gian. Tượng được hiểu có 2 loại chính là tượng trang trí và tượng “thiêng”. Chủ đề của loại tượng trang trí rất đa dạng và tự do. Đó có thể là những bức tượng phụ nữ khỏa thân, trẻ em đang chơi, muông thú, đồ vật, nhưng cũng có khi chỉ là những hòn đá tự nhiên được sắp đặt có chủ ý. Cùng với cây xanh, thảm cỏ, hình khối công trình kiến trúc, tượng trang trí sẽ tạo ra những điểm nhấn trong bức tranh đô thị.  
Tượng “thiêng” thường có 2 nhóm là tượng tôn giáo và tượng các vị anh hùng dân tộc, danh nhân, sự kiện lịch sử. Trong khoảng 15 năm trước, nước ta đột khởi loại tượng hoành tráng ngoài trời ở hầu hết tỉnh thành, thậm chí đang có nguy cơ trở thành hội chứng lan tới cấp huyện, kể cả ở những huyện nghèo quanh năm xin hỗ trợ từ Trung ương. Đó là những tượng đơn lẻ hay những quần thể tượng đài to lớn có quy mô và kích thước rất lớn. Mặc dù chưa thật hài lòng lắm, nhưng nhìn chung tượng đài hoành tráng về Bác Hồ tương đối ổn, còn các tượng đài hoành tráng khác ít nhiều có vấn đề. Thực lòng mà nói những tượng này không gây ấn tượng và nhiều cái rất xấu. Hầu hết tượng đài đều mang tính minh họa, rằng ở địa điểm đó, vào thời kỳ đó có chuyện đó xảy ra. Nếu ở đó có trận đánh chắc chắn sẽ có chiến sĩ cùng súng, pháo, xe tăng; về nông nghiệp sẽ là lúa, cá, liềm; về công nghiệp sẽ có công nhân, búa, cần cẩu… 
Giá trị tượng đài ứng xử sao cho đúng ảnh 1 Tượng đài Trần Hưng Đạo rất có giá trị về mặt lịch sử.
Vì là tượng đài minh họa nên tính nghệ thuật không cao, ít gây ấn tượng mạnh mẽ, thông điệp truyền tải không mang tầm mức rộng lớn, trong nhiều trường hợp khá tủn mủn, ngây ngô. Nhiều tượng đài đặt ở những nơi rất ít người tới thăm vì hẻo lánh, giao thông cách trở, có cái nằm trơ trọi trên đồi chịu mưa nắng lâu ngày nứt nẻ trơ cả lõi sắt, sụt lún, nhiều cái khác bị hoang phế cỏ mọc um tùm, rác rến.  Có những tượng ra đời chỉ phục vụ nhu cầu cho một nhóm người nhỏ nên không thu hút được đông người.  Thậm chí, nhiều tượng đài ra đời theo sự tính toán cho lợi ích kinh tế hay danh vọng cá nhân nên nhanh chóng bị chết yểu. Vì ít người tới thăm nên có khá nhiều tượng đài gần như là phế tích. Nhưng đã là tượng đài ngoài trời không có cái nào ít tiền, cái ít nhất của một huyện nghèo miền Trung cũng 14 tỷ đồng, cái nhiều thì vô chừng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. 
Với loại tượng đài hoành tráng về các vị anh hùng dân tộc, danh nhân, thánh nhân huyền thoại, sự đánh giá chúng không phải chỉ thuần túy về mặt mỹ học hay tạo điểm nhấn không gian, mà điều quan trọng, nếu không nói quan trọng nhất, là chúng phải truyền được thông điệp gì và mang lại cảm hứng sống như thế nào cho các thế hệ muôn đời con cháu mai sau.  
Thời trẻ, chúng tôi những sinh viên Việt Nam khi học ở Liên Xô, bị chinh phục hoàn toàn bởi các tượng đài hoành tráng ở trên khắp đất nước Xô Viết bao la. Đứng trước tượng đài vĩ đại Mẹ tổ quốc, tượng đài Những chiến sĩ hồng quân đầu tiên ngã xuống tại pháo đài Brest giáp biên giới Ba Lan, tượng đài Ngọn lửa vĩnh cửu không bao giờ tắt để nhắc nhở loài người nhớ về những chiến sĩ vô danh đã ngã xuống cho sự sống nhân loại, ngoài sự thán phục vẻ đẹp và sự hoành tráng, người ta không thể không có những phút suy tư về chiến tranh và hòa bình, cuộc sống và cái chết, sự cao thượng và hèn mọn, về thân phận con người… Tôi cũng đã đứng lặng rất lâu để ngắm những tượng đài các vị anh hùng dân tộc được dựng ở Seoul, Hàn Quốc. Bất cứ người dân Hàn nào đi qua cũng ngả mũ chào, nhiều người dừng lại rất lâu với vẻ trầm tư mặc tưởng, hoa tươi lúc nào cũng có dưới chân tượng của những người tự nguyện dâng tặng. 
Tôi tự hỏi ở Việt Nam có được bao nhiêu bức tượng khiến người ta phải tự vấn bản thân, tự suy ngẫm về thời cuộc; bao nhiêu bức tượng khi ngắm ta được tiếp thêm sức mạnh từ cha ông bởi lòng tự hào về một dân tộc có sức sống mãnh liệt. Tôi cứ ước ao giá như ở đất nước chúng ta, TP chúng ta có được những bức tượng hoành tráng của những nhà quân sự kiệt xuất đã từng đập tan những đội quân xâm lược hung hãn vào các thời đại khác nhau như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà… Và ở đâu đó trong TP này chúng ta có được bức tượng người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản với khí thế lẫm liệt, tay gương cao lá cờ “Phá cường địch - báo hoàng Ân”. 
Tất nhiên, những bức tượng đó không phải là tượng gia đình, tượng vườn hay loại tượng để thờ cúng làm cho có, mà phải là những bức tượng có sức mạnh hơn triệu lời rao giảng, để khi đứng trước tượng các thánh nhân này lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi chúng ta trỗi dậy và đau đáu về vận mệnh dân tộc. Một nước nhỏ luôn phải đối mặt với những thế lực lớn hơn gấp bội lần và chưa bao giờ từ bỏ ý định bắt dân tộc ta khuất phục để trở thành nô dịch, những tượng đài vật chất như thế chính là thông điệp bất hủ truyền dạy cho các thế hệ muôn đời những bài học lịch sử mạnh mẽ nhất, sống động nhất, trực quan nhất.  
Các TP, tỉnh cần có tượng đài, nhưng phải là những tượng đài thực sự có giá trị, có sức sống trường tồn, không chỉ thỏa mãn nhu cầu cho người hôm nay còn cho con cháu muôn đời mai sau. Những tượng đài vô hồn, thô kệch, dù có to lớn đến mấy, nhiều tiền đến mấy cũng không có linh khí và sức sống. Nhất là trong lúc kinh tế đất nước còn khó khăn, mới ra khỏi hàng ngũ các quốc gia đói, nay dịch bệnh hoành hành, việc hoãn lại các tượng đài như ở Thanh Hóa là điều đúng cả về kinh tế lẫn đạo đức. Hơn nữa, những tượng đài trăm ngàn tỷ đồng mà xấu về nghệ thuật, kém về giá trị văn hóa cũng nên dừng lại. Bởi để lại một công trình hoành tráng mà vô giá trị là có tội với thế hệ sau.  

Các tin khác