Theo dự báo của giới chuyên gia giá vàng thế giới tuần này có thể tăng lên 1.800USD/ounce bởi nhiều mối lo ngại, trong đó có tình hình tại Iran.
![]() |
Tuần qua, vàng thế giới có 4 phiên tăng giá liên tiếp do giới đầu tư quay trở lại với vàng trước những lo ngại lạm phát có thể xảy ra do giá dầu và lương thực đang tăng cao.
Bên cạnh đó chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể thúc đẩy nhu cầu mua vàng từ nước này. Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới trong năm nay.
Ngoài ra, việc châu Âu thông qua gói cứu trợ cho Hy Lạp để ngăn chặn khả năng đổ vỡ của nền kinh tế nước này cũng đã hỗ trợ cho vàng và các tài sản rủi ro rất nhiều trong vài phiên qua.
Nhiều nhà phân tích cho rằng để giúp Hy Lạp, các nước châu Âu sẽ phải in thêm tiền, khiến cho tiền tệ trở nên mất giá và vàng là tài sản thay thế phù hợp.
Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần (thứ 6 ngày 24-2) giá vàng thế giới lại giảm nhẹ. Giá vàng giao ngay xuống còn 1.773,6USD/ounce, vàng giao tháng 4 giảm 9,9USD, còn 1.776,4USD/ounce. Tính chung cả tuần vàng tăng 3% và kể từ đầu năm đến nay vàng thế giới tăng 13,5%. Việc giá vàng giảm nhẹ được giải thích do một số quỹ có động thái chốt lời.
Song, riêng Quỹ đầu tư tín thác bằng vàng SPDR lại tranh thủ mua vào khi giá vàng có chiều hướng giảm trong phiên cuối tuần qua. Ngày 24-2 quỹ này đã mua vào thêm 1,8 tấn vàng. Như vậy, trong tuần qua SPDR đã mua 3 phiên, tổng cộng 3,33 tấn và từ đầu năm tới nay, lượng mua ròng lên tới hơn 30 tấn.
Phiên ngày thứ bảy, vàng thế giới không có nhiều biến động khi giao dịch quanh ngưỡng 1.772USD/ounce. Theo bảng khảo sát được kitco.com thực hiện, đa số cho rằng giá vàng tuần tới sẽ tăng lên 1.800USD/ounce. Và nếu tình hình giữa phương Tây và Iran tiếp tục căng thẳng, giá dầu tăng cao rất có thể vàng còn cao hơn nữa, sẽ chạm ngưỡng 2.000USD/ounce.
Giá vàng trong nước tuần qua cũng diễn biến theo chiều tăng giảm của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, vài phiên giao dịch trong tuần khi giá vàng thế giới tăng mạnh, vàng trong nước tăng thấp hơn khiến khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước đang dần được thu hẹp.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 21-2 mức chênh lệch là 1,2 triệu đồng/lượng, nhưng sang ngày hôm sau mức này đã giảm một nửa và chỉ còn lại 600.000 đồng/lượng. Đến ngày 23-2 khi vàng bứt phá lên mốc hơn 45 triệu đồng/lượng - mức giá cao nhất trong 2 tuần trở lại đây - vàng trong nước chỉ còn đắt hơn vàng thế giới 400.000 đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch được giới chuyên gia đánh giá là hợp lý và kỳ vọng sẽ duy trì trong thời gian dài.
Như vậy, trong tuần qua, vàng trong nước có những phiên tăng giá liên tiếp và giảm nhẹ trong phiên thứ sáu. Tuy nhiên, giá vàng vẫn giữ mức trên 45 triệu đồng/lượng. Tính chung cả tuần vàng trong nước tăng 470.000 đồng/lượng. Sang ngày thứ bảy, giá vàng SJC giao dịch tại thị trường TPHCM quanh ngưỡng 44,98-45,13 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC mua vào - bán ra lần lượt 45,02-45,19 triệu đồng/lượng. Trên thị trường tự do, giá vàng SJC 45,02-45,12 triệu đồng/lượng. Mặc dù có mức chênh hợp lý so với giá vàng thế giới trong mấy ngày qua, nhưng tại hầu hết cửa hàng đều ghi nhận nhu cầu mua vào, bán ra của người dân vẫn không có đột biến.
Chính nhu cầu đang có phần chững lại này khiến biên độ giao động của vàng trong nước thời gian gần đây khá hẹp trước những biến động mạnh của vàng thế giới.
Theo dự báo, trong thời gian tới vàng trong nước khó có đột biến để theo đà tăng của vàng thế giới. Tuy nhiên, cũng có thể quay lại tình trạng giá thế giới tăng nhưng trong nước đi ngang hoặc xuống.