Tại nhiều gói thầu thuộc Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá) việc thi công đào đắp nền đường đã dừng nhiều tháng nay. Tại gói LX3 - do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thi công, theo ông Hoàng Đình Luân, Giám đốc Ban điều hành Dự án (Vinaconex), đã hơn 3 tháng đơn vị này không thể thi công phần đào đắp nền đường do không có nguồn cung vật liệu.
“Hiện nay việc điều chỉnh giá theo quy định hợp đồng, tối đa cũng chỉ được 8%, nhưng nếu lấy vật liệu cự ly xa như vậy thì tiền vận chuyển cũng gần bằng tiền trúng thầu. Hiện nay giá dầu, xăng tăng, làm nghiêm tải trọng, trước đây báo giá theo giá cũ, giờ cắt thùng đi 1 nửa thì nhân đôi giá cước. Ngoài giá dầu tăng thì phải tăng giá vận chuyển thì không làm được. Nếu làm thì lỗ 70%. Sắp tới mùa mưa, nhà thầu phải chờ đợi thôi, làm tiếp văn bản gửi tỉnh Thanh Hoá có giải pháp tháo gỡ cho các mỏ thì nhà thầu mới có đất để làm. Chúng tôi đã báo cáo Ban quản lý Dự án 2 -Bộ Giao thông Vận tải” - ông Hoàng Đình Luân nói.
Cũng trong tình trạng tương tự, đại diện Ban điều hành Công ty Cổ phần 471, đơn vị liên doanh thi công gói thầu XL2 cho biết, đến thời điểm này, phần thi công nền đường đã dừng hơn 1 tháng. Việc dừng thi công nền đường sẽ kéo chậm các phần việc phía sau. Về cam kết rút ngắn tiến độ thi công so với tiến độ hợp đồng, ông Trần Việt Hưng, Ban điều hành Công ty cổ phần 471, đơn vị liên doanh thi công gói thầu XL2 cho biết rất khó rút ngắn.
“Đến nay cơ bản hoàn thiện 70% nền, phần cuối tuyến chưa làm được vì triển khai vướng giá cả lạm phát. Về việc rút ngắn 3 tháng theo tinh thần của Thủ tướng khó thực hiện. Cố gắng bám sát tiến độ đề ra theo hợp đồng ban đầu, sau này có điều chỉnh, tháo gỡ thì mới tính toán được, thời điểm này chưa có động thái gì gọi là tháo gỡ cho nhà thầu mới đang trên diễn đàn” - ông Trần Việt Hưng nói.
Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Định An – một trong những nhà thầu thi công tuyến Quốc lộ 45-Nghi Sơn cho biết, rất nhiều phần việc đã chậm tiến độ, có những phần việc không cho phép chậm, lỗ vẫn phải làm.
“Có những việc mang tính chất yết hầu thì vẫn phải làm, lỗ cũng phải làm, như thi công nền đất yếu, thi công cầu, mố trụ giữa sông… dưới sông không làm, ít hôm vào mùa mưa không làm được, chậm cũng không được, phải phân bổ phần vốn, chấp nhận lỗ nhưng việc phải làm. Nhưng nếu thông thoáng về mặt cơ chế, chủ trương thì có thể đẩy toàn bộ tiến độ được” - đại điện Tập đoàn Định An nêu ý kiến.
Trước những khó khăn, thách thức, ngày 14/7/2022 vừa qua, lãnh đạo 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đã đồng loạt ký gửi văn bản kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.
Theo các nhà thầu, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính tăng đột biến như: thép, đất đắp các loại, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, cát vàng sản xuất bê tông xi măng. Cũng theo Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam, theo hợp đồng ký kết, hầu hết các gói thầu thuộc dự án đang triển khai đều áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh; sử dụng chỉ số giá do địa phương nơi dự án đi qua công bố.
Tuy nhiên, hầu hết các địa phương nơi dự án đi qua (Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai…) thời gian gần đây chưa có dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc nào công bố giá vật liệu và chỉ số giá do địa phương ban hành chỉ phù hợp cho các công trình cấp thấp hơn có quy mô nhỏ. Nếu tính theo nguồn chỉ số giá các địa phương, đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần đầu tư công cao tốc Bắc - Nam, hệ số bù giá bình quân các gói thầu chỉ tăng từ 1,8 - 8% là chưa hợp lý.