Chiều nay 8-2, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước theo quy định.
Nhu cầu đi lại mua sắm, về quê, du xuân trong dịp trước và trong tết tăng cao, cần giảm giá xăng dầu để hạn chế tác động lên giá cả. Ảnh: VĂN PHÚC
Đây là tin vui với nhiều người tiêu dùng trong dịp vui xuân đón tết, nhu cầu đi lại, mua sắm tăng cao; nhưng có thể sẽ kém vui với những cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu, bởi thường dịp tết, đơn vị nào cũng tăng cường nhập lượng hàng lớn để bán trong dịp tết, bởi nhu cầu đổ xăng dầu cho xe cộ du xuân là rất lớn.
Lý do giảm giá vì trên thị trường thế giới, giá dầu tuần trước đã giảm tới gần 7%, cắt đứt chuỗi tăng mạnh của 2 tuần trước đó. Còn trong tuần này, giá dầu thế giới có xu hướng đi lên nhưng vẫn chưa đạt được mốc 80 USD/thùng.
Nếu dự báo xăng dầu giảm giá là chính xác thì giá xăng trong nước sẽ có phiên giảm đầu tiên sau 4 lần tăng liên tiếp.
Giá xăng có thể giảm mạnh chiều nay
Kể từ đầu năm 2024 đến kỳ điều hành gần nhất là ngày 1-2 vừa qua, thị trường xăng dầu trong nước đã qua 5 lần điều chỉnh thì có 4 lần gần đây tăng giá liên tiếp. Trong đó, riêng mặt hàng xăng RON95 vùng 1 hiện đã vượt 24.000 đồng/lít, còn ở vùng 2 thì giá thực tế gần 25.000 đồng/lít.
Mức giá này càng trở nên nhạy cảm ở thời điểm Tết Giáp Thìn đang cận kề, nhu cầu sản xuất, đi lại tăng cao; đặc biệt là có nguy cơ xảy ra tình trạng tư thương tranh thủ tăng giá hàng hóa - dịch vụ, lợi dụng giá nhiên liệu tăng để “té nước theo mưa”.
Mặc dù giá xăng đã ở mức cao, nhưng cơ quan điều hành vẫn chưa quyết định “xả” Quỹ bình ổn giá. Trong 5 lần điều hành kể từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ bình ổn giá chưa một lần xả để giúp neo giá, bình ổn giá.
Thậm chí, trong cả năm 2023, tổng cộng có 37 kỳ điều hành thì với hai mặt hàng là xăng RON95 và E5RON92, mới chỉ có… 5 lần chi sử dụng quỹ; còn với mặt hàng dầu thì cũng chỉ có 3-4 lần (tùy loại). Trong khi theo công bố của Bộ Tài chính, tính đến cuối quý 3-2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu dư hơn 7.000 tỷ đồng.
Theo giải thích của đại diện Vụ Thị trường trong nước, sở dĩ chưa chi quỹ vì mức tăng giá của kỳ sau chưa đến 7% so với kỳ liền kề trước. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sau 4 kỳ tăng liên tiếp, tổng cộng mức tăng đã lên tới 9-10% so với tuần đầu của năm 2024.
Cho nên, nhiều người cho rằng, việc chi quỹ ngay trong phiên điều hành chiều 8-2 là rất cần thiết mà liên Bộ Công Thương - Tài chính cần phải xem xét hoặc có thể báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo, nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù quy định tại Thông tư 103 của Bộ Tài chính (hướng dẫn phương pháp trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu) là nếu các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu chỉ tăng dưới 7% (so với kỳ trước liền kề) thì không chi sử dụng quỹ. Nhưng việc điều hành, chi sử dụng quỹ cần phải linh hoạt, vì trong thông tư cũng nêu rõ là trong trường hợp mức tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân thì có thể chi sử dụng quỹ để neo giữ hoặc giảm giá.
Cho nên, việc đề nghị chi sử dụng quỹ xăng dầu để không tiếp tục ảnh hưởng đời sống người dân dịp trước và sau Tết Giáp Thìn là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37% và lạm phát cơ bản tăng 2,72%.