Giấc mơ nhà ở tại TPHCM ngày càng xa vời

(ĐTTCO) - TP.HCM đang tồn tại một nghịch lý, đó là khi rất nhiều người lao động còn chật vật về chỗ ở, thì lại có hàng ngàn căn hộ bỏ không suốt thời gian dài. Đây là sự lãng phí không nhỏ về nguồn lực xã hội.
Khu tái định cư Bình Khánh, TP.Thủ Đức hoang vắng vì thiếu người ở (Ảnh: D.P)
Khu tái định cư Bình Khánh, TP.Thủ Đức hoang vắng vì thiếu người ở (Ảnh: D.P)

Theo ước tính, cứ 5 năm, TP.HCM tăng khoảng 1 triệu dân. Cùng với áp lực tăng dân số cơ học rất lớn thì nhà ở cũng là nhu cầu rất bức thiết của người dân. Tuy nhiên, ở TP.HCM đang tồn tại một nghịch lý, đó là khi rất nhiều người lao động còn chật vật về chỗ ở, thì lại có hàng ngàn căn hộ bỏ không suốt thời gian dài. Đây là sự lãng phí không nhỏ về nguồn lực xã hội. Vấn đề này tồn tại từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý. Đâu là nguyên nhân của sự lãng phí trên.

Giấc mơ xa vời

Lên TP.HCM làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận Quận 7 gần 15 năm, đến nay, gia đình 3 người của anh Trần Minh Thành, quê Đồng Tháp vẫn phải sống tạm trong căn phòng trọ 20m2.

Bám trụ ở thành phố nhiều năm, dành dụm từng đồng để mong mua được một căn hộ nhỏ, nhưng với mức lương công nhân 7 triệu đồng/tháng, vợ anh làm nhân viên văn phòng lương 9 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao, giá nhà thuê cũng ngày càng đắt đỏ, con cái học hành... tốn kém, khiến giấc mơ của anh ngày càng xa vời.

Anh Trần Minh Thành bộc bạch: "Ước mơ lớn nhất của vợ chồng em là có căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống. Làm công nhân ở khu chế xuất gần chục năm nay nghe nói nhiều về nhà ở xã hội, nhưng chưa thể tiếp cận".

Không chỉ công nhân, dân công chức, văn phòng cũng gặp khó khăn về chỗ ở. Rời quê nhà ở tỉnh Đắk Lắk để đến lập nghiệp tại TP.HCM, chị Trần Thị Mai Hương có hơn 10 năm sinh sống tại đô thị đông đúc này. Phần lớn quãng thời gian đó, chị Hương thường xuyên phải tìm và đổi chỗ thuê trọ liên tục. Không gian sống của chị thường chỉ là một phòng diện tích trung bình, thậm chí ở ghép với nhiều người cùng thuê nguyên căn nhà với mức giá 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Chị Mai Hương cho biết, tiền thuê trọ đã chiếm gần 1/2 thu nhập. Trong khi đó, càng ngày mức sinh hoạt tại TP.HCM càng đắt đỏ, giá thuê trọ cũng tăng dần theo. Chỗ ở gần để thuận tiện công việc giá không rẻ, còn ở nơi mức giá rẻ thì chất lượng sống lại không cao, phần lớn là nhà trọ cũ kỹ, chật chội.

"Khi mà chúng tôi phải chen chúc ở trong trung tâm thành phố, rồi không có nhà để ở, phải ở trọ thì có hàng nghìn căn hộ bỏ hoang ở Thủ Thiêm nhìn rất chua xót. Tôi nghĩ UBND thành phố nên nghĩ đến một phương án, đấy là chia nhỏ ra thành từng cặp một để bán thì người dân và chúng tôi sẽ dễ dàng tiếp cận hơn".

Công nhân viên, người lao động mong muốn được sinh sống an cư lạc nghiệp (Ảnh NQ)

Những căn hộ bỏ không

Một nghịch lý đang diễn ra tại TP.HCM, đó là khi hàng triệu người mong muốn có một chỗ ở để an cư lạc nghiệp thì đang có hàng trăm căn nhà tại các dự án vẫn đang để không.

Nằm ngay tại vị trí đất vàng ở TP.Thủ Đức, khu tái định cư Bình Khánh có diện tích 38,4ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư cho người dân phải giải tỏa ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được xây dựng từ năm 2013, hoàn thành năm 2015.

Dự án này được UBND TP.HCM yêu cầu phải kiểu mẫu, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về một nơi ở mới khang trang, hiện đại cho người dân. Từ khi hoàn thành đến nay đã gần 10 năm, nhưng hàng ngàn căn hộ nơi đây vẫn để trống, chỉ một số ít người dân được vận động vào ở.

Nhiều người lao động khu công nghiệp sinh sống trong những dãy trọ khát khao được mua nhà ở xã hội giá cả phù hợp (Ảnh NQ)

Hay như Khu tái định cư Vĩnh Lộc B nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn có hàng ngàn căn hộ bị bỏ hoang, xung quanh lối đi vào cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục chung cư nứt toác, bong tróc sụt lún nghiêm trọng.

Được biết, sau khi giải tỏa rạch ụ cây, kênh ruột ngựa và hàng ngàn căn nhà lụp xụp bên kênh Tàu Hủ ở Quận 8 để chỉnh trang đô thị, nhiều người dân được bố trí về khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Tuy nhiên phần lớn người dân chỉ nhận tiền đền bù, không chịu nhận căn hộ…Đến nay mới có hơn 300 căn hộ có người ở, nghĩa là vẫn còn tới gần 1.600 căn hộ để trống.

Trong khi đó những khu nhà chung cư bố trí đối tượng tái định cư thì bà con sinh hoạt không phù hợp nên đều dạt ra vùng ven (trong ảnh khu tái định cư kênh Nhiêu lộc - Thị Nghè) (Ảnh NQ)

Chị Lê Thị Bảy, người dân từng sinh sống ở khu vực Rạch Ụ cây Quận 8, bị di dời tái định cư cho biết: "Công việc mua bán đều ở Quận 8 chuyển sang ở mút tận Vĩnh Lộc cách mấy chục cây số mỗi ngày 2 bận đi và về, chưa kể phải chạy xuống chợ Bình Điền lấy hàng về bán nữa, hai vợ chồng tui sao đi nổi. Mà lên trên vừa xa, vừa heo hút buôn bán không được, mua về không biết bán cho ai… Nên nhà tui chuyển qua xã Bình Hưng, Bình Chánh thuê nhà ở".

Hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ không, thế nhưng mỗi năm ngân sách phải bỏ ra số tiền không nhỏ để bảo trì những khối nhà này. Tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, hàng năm Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh chi ra 5 – 6 tỷ đồng để quản lý, vận hành. Còn với Khu tái định cư Bình Khánh, số tiền bào trì, vận hành hàng năm lên tới hơn 70 tỷ đồng. Một vài tỷ đồng cũng là đủ để xây một căn nhà, thế nhưng những “căn nhà trong mơ” đó hàng năm đã và đang tan vào hư không một cách lãng phí.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc, Bình Chánh, tính đến nay số lượng người được bố trí khoảng 30% nhưng nhận rồi cũng rời đi nơi khác tạm cư gây nên cảnh lãng phí (Ảnh NQ)

Khu tái định cư Vĩnh Lộc, Bình Chánh xây dựng quá xa khu dân cư khó khăn trong sinh hoạt

Khung cảnh hoang tàn xuống cấp tại khu tái định cư Vĩnh Lộc, Bình Chánh (Ảnh NQ)

Nhìn vào bức tranh tổng thể, số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy hiện có khoảng 9.434 căn hộ tái định cư, trong đó có gần 4.800 căn hộ đang chờ để bán đấu giá, còn hơn 2.000 căn hộ đang chờ để bố trí tái định cư. Mặt khác, số liệu nghiên cứu của Hội quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM chỉ ra trong số khoảng 4,7 triệu người lao động thì có 41% phải thuê trọ, 36% ở cùng gia đình.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đưa ra thông tin, hơn 660.000 người (tương ứng hơn 7% dân số) đang sống trong những ngôi nhà chật hẹp có diện tích dưới 6m2/người. Có khoảng 33% hộ gia đình đang ở thuê mướn hoặc ở nhờ vì chưa có nhà riêng.

Các tin khác