Giải bài toán “chia năm, xẻ bảy” miếng bánh trong đầu tư hạ tầng giao thông

(ĐTTCO)-Hệ thống hạ tầng giao thông cần được quy hoạch bảo đảm cân đối hài hòa về địa lý, dân số và quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền và hiệu quả khi đầu tư.

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được đưa vào vận hành khai thác hơn 6 năm đã khơi thông phát triển kinh tế-xã hội liên vùng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được đưa vào vận hành khai thác hơn 6 năm đã khơi thông phát triển kinh tế-xã hội liên vùng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại thời gian qua, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận hệ thống hạ tầng giao thông của nước ta vẫn còn là “điểm nghẽn” đối với nhu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thiếu nguồn lực đầu tư

Bức tranh tổng thể ngành giao thông vận tải giai đoạn 2011-2019 đã đạt được nhiều điểm sáng về hạ tầng như đã đưa vào khai thác 1.041km đường cao tốc; nâng cấp các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây dựng mới các cảng hàng không Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt hơn 100 triệu lượt hành khách/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2011; đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải, Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000-200.000 tấn (DWT) đi thẳng châu Âu, Mỹ...

Theo Bộ trưởng Thể, giai đoạn vừa qua, ngành giao thông đã rất chú trọng tới đầu tư các dự án giao thông nhằm “đi trước mở đường,” nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và sự kỳ vọng đặt ra. Đó là việc hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, chưa đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, hệ thống đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải...

“Một trong những nguyên nhân chính là khó khăn về nguồn lực khiến cho công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông triển khai chậm so với yêu cầu, hệ thống giao thông hiện hữu cũng chưa có điều kiện duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, làm hạn chế năng lực khai thác,” người đứng đầu ngành giao thông thừa nhận.

Theo kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông Vận tải được cân đối, bố trí mới chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu đầu tư phát triển, cũng như công tác bảo trì hạ tầng giao thông hiện có, trong khi việc kêu gọi đầu tư tư nhân còn khó khăn do đầu tư giao thông nhiều rủi ro, hệ thống văn bản pháp lý còn chưa đồng bộ.

“Đây là trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, ‘đi trước một bước’ tạo tiền đề phát triển đất nước tới năm 2030,” Bộ trưởng Thế nhìn nhận.

Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, tỷ trọng vốn đầu tư trong các lĩnh vực của kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2020 không đồng đều bao gồm cả vốn ngân sách Nhà nước và vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, tỷ trọng vốn đầu tư vào đường bộ chiếm cao nhất với 70,08%; đường sắt chiếm 11,19%; hàng không chiếm 10%, hàng hải chỉ chiếm 5,87%, đường thủy nội địa chiếm 2,02%, lĩnh vực khác chiếm 1,19%.

Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của thực tế này chính là việc bố trí nguồn lực đầu tư chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn dàn trải. Cơ cấu phân bổ vốn ngân sách Nhà nước đầu tư theo các vùng miền, theo lĩnh vực còn bất cập, các địa phương vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách Trung ương và một số doanh nghiệp Nhà nước là chính, chưa xây dựng các chính sách phù hợp để khai thác giá trị tài sản hạ tầng giao thông đầu tư bằng nguồn ngân sách nhằm tăng nguồn lực cho Nhà nước.

Dẫn chứng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ ngân sách Nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông ngang mức bình quân chung cả nước, tuy nhiên do điều kiện tự nhiên (nhiều sông lớn, nền đất yếu...) nên thực tế cơ sở hạ tầng giao thông đầu tư được thấp hơn so với mức đầu tư tương ứng của các khu vực khác.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách 

Theo đại diện cơ quan Nhà nước và các chuyến gia giao thông, để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thời gian tới phải giải quyết bài toán tổng thể về cơ chế, chính sách, quy hoạch hạ tầng, huy động các nguồn vốn đầu tư…

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng 5 Quy hoạch chuyên ngành quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không) và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, trên 80% các tỉnh/thành phố trong cả nước đều có đường bộ cao tốc đi qua hoặc kết nối tới trung tâm hành chính và có khoảng 3.500-4.000km đường cao tốc, trong đó ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, các tuyến cao tốc vành đai đô thị; xây dựng một số đoạn trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; đầu tư các bến còn lại của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, huy động vốn đầu tư cảng quốc tế Vân Phong; đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1)…

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông được quy hoạch bảo đảm cân đối hài hòa về địa lý, dân số và quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền và hiệu quả khi đầu tư.

Vi sao dau tu ha tang giao thong chua hai hoa giua cac vung mien? hinh anh 1
Vận tải đường thủy phát triển mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long trong khi vẫn chưa có tuyến đường bộ cao tốc nào kết nối với các trung tâm đô thị lớn. (Nguồn: TTXVN)

Đối với các hành lang vận tải chính, kết cấu hạ tầng các phương thức vận tải phải bảo đảm hài hòa về vai trò, chức năng, lợi thế của từng phương thức. Tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính và liên kết vùng kinh tế.

Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 cho 5 phương thức vận tải là khoảng 2,1-2.2 triệu tỷ đồng(chưa bao gồm chi phí bảo trì hạ tầng), trong đó tổng nhu cầu vốn theo khả năng cân đối nguồn lực là 1,87 triệu tỷ đồng (với ngân sách Nhà nước khoảng 894.000 tỷ đồng, chiếm 48%).

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư cả ngành giao thông để hỗ trợ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc trọng điểm theo hình thức PPP và đầu tư các dự án trọng điểm thuộc các chuyên ngành khác.

Để hiện thực hóa chiến lược mục tiêu này, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; đẩy mạnh vận động các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để phát triển hạ tầng, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn...

Các tin khác