![]() |
Khi thị trường BĐS khó khăn, Chính phủ ban hành một loạt chính sách, trong đó có gói cho vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà, doanh nghiệp để vực dậy ngành kinh tế này. Trong cơn “nắng hạn” nhiều doanh nghiệp, người dân kỳ vọng “cơn mưa” này. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng đang loay hoay tháo gỡ gói giải cứu này.
Được tung ra từ ngày 1-6-2013, đến nay gói 30.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng là nhà ở xã hội. Trong đó dành tối đa 30% cho vay đối với doanh nghiệp và 70% cho người mua nhà. Đầu năm nay, lãi suất của gói hỗ trợ này giảm xuống 5%/năm, nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, do thủ tục vay rờm rà, cán bộ thực thi cứng nhắc, rất ít người dân tiếp cận được gói cho vay này. Chính vì thế, qua hơn 17 tháng triển khai, đến nay mới giải ngân được 10% gói 30.000 tỷ đồng.
Mới đây Thông tư 17 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ 25-11-2014) quy định người mua nhà thương mại có tổng giá trị dưới 1,05 tỷ đồng được hưởng ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng. Quy định mới này được xem thông thoáng hơn so với quy định cũ, nhưng vẫn khiến người mua nhà lẫn chủ đầu tư băn khoăn.
Đó là việc người mua nhà phải có hộ khẩu, đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng tại địa phương nơi dự án chọn mua mới được vay gói 30.000 tỷ đồng. Một doanh nghiệp BĐS tại TPHCM cho biết đang có dự án tại Bình Dương 100% sản phẩm đáp ứng điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng nhưng hầu hết khách hàng đều không thể vay.
Lý do dự án có vị trí giáp ranh với TPHCM nên có đến trên 80% khách hàng mua có hộ khẩu và đóng bảo hiểm xã hội tại TPHCM, có nghĩa không phải đối tượng nằm trong quy định mới. Thực tế cho thấy tỷ lệ người dân mua căn hộ tại địa bàn mình đang ở, kể cả nằm trong diện được vay gói 30.000 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 10-15%. Hay như việc xác minh tình trạng hư hỏng nhà ở của người dân vay tiền sửa chữa cũng cần quy định cụ thể chính quyền địa phương hay ngân hàng thực hiện.
Chỉ còn 1 năm rưỡi nữa, tức đến ngày 1-6-2016, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc. Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân 90% số tiền còn lại, ngoài nới lỏng một số điều kiện, trước mắt cần bỏ mẫu xác nhận thực trạng nhà ở cũ.
Thay vào đó để người khai tự chịu trách nhiệm, địa phương, thủ trưởng cơ quan mới dám ký vào giấy xác nhận này. Ngoài ra, cần bỏ ngay một trong những thủ tục gây cản trở nhất hiện nay là chứng minh thu nhập, bởi đã cho thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.