Có tới 90% số vàng cần chuyển sang SJC do ngân hàng nắm giữ, còn 10% ở doanh nghiệp và người dân. Vì hạn tất toán và làm đẹp lòng người gửi vàng, ngân hàng muốn chuyển đổi nhanh số vàng “phi SJC” thành SJC nhưng tất cả lại ở nút thắt con số 9 cuối cùng!
Những ngày qua, dư luận nói nhiều về năng lực yếu kém trong chuyển đổi vàng “phi SJC” sang vàng SJC của Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, khiến người dân phải “bán đổ bán tháo” vàng các thương hiệu khác như giá vàng nguyên liệu để chuyển đổi sang SJC, gây thiệt hại không nhỏ.
Vàng bị trượt...rào SJC!
Giải thích vấn đề này, một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước nói: “Chỉ có 10% số vàng cần chuyển đổi sang SJC là do doanh nghiệp và người dân nắm giữ; còn 90% là do các ngân hàng muốn chuyển đổi cho bên gửi vàng”.
Trong khi giá vàng “phi SJC” thấp hơn vàng SJC vài triệu đồng/lượng, phí chuyển đổi chỉ 50 nghìn đồng/lượng, chuyển đổi xong lại phải trả về cho bên gửi, có thể thấy là về mặt hình thức, ngân hàng không được lợi gì nhiều. Vậy, tại sao ngân hàng lại tốt như thế?
Vị lãnh đạo trên cho biết, trước đây, do hám lợi từ việc chuyển vàng sang tiền đồng và để cạnh tranh nhau, nhiều ngân hàng ký hợp đồng với bên gửi là: nhận tất cả mọi thương hiệu “phi SJC” nhưng hết hạn sẽ trả bằng SJC. Chẳng hạn, ngân hàng có thể cam kết với bên gửi vàng là “nhận PNJ nhưng trả SJC” vẫn được.
Thế nên, đến hạn tất toán hợp đồng, bên gửi cứ đòi SJC. Hơn nữa, giữa ngân hàng với bên gửi vàng còn ràng buộc một quan hệ nữa là tiền gửi. Nếu thực hiện đúng cam kết, khách sẽ tiếp tục gửi tiền, nếu không thì thôi. Thậm chí, có một số trường hợp không cam kết nhưng nếu ngân hàng trả SJC thì bên gửi vàng sẽ còn gửi tiền và ngược lại. Ngân hàng sốt sắng chuyển sang SJC là vì thế.
Vị cán bộ Ngân hàng Nhà nước nói trên cho biết, vấn đề ở đây chỉ là con số 9 cuối cùng. Theo đó, hầu hết 7 thương hiệu vàng đều đảm bảo 3 số 9 đầu tiên, nhưng ở con số cuối cùng thì muôn vẻ: “999,8”; “999,7”; “999,6” và thậm chí thấp hơn thế thay vì đúng “999,9” như quảng cáo, nếu so với chuẩn SJC.
Vì vậy, khi cho vào kiểm định của hệ thống máy SJC, với loại vàng “999,6” trở lên thì “đỗ”, còn vàng “999,5” trở xuống thì bị máy đánh trượt! Cũng theo ông, hoàn toàn có thể đưa vàng “999,5” của các thương hiệu khác trở thành vàng “999,9” theo chuẩn SJC thông qua phân kim và giá của chúng chỉ 1/1.000 so với giá trị một lượng vàng.
Nôm na là vàng SJC đang có giá 46 triệu đồng/lượng nhưng khi chuyển đổi vàng thương hiệu khác có chất lượng “999,5” sang SJC thì chỉ mất 46 nghìn đồng/lượng mà thôi.
Bởi vậy, trong điều kiện nhà nước chấp nhận quyền bảo toàn tài sản là vàng, quyền lưu thông các thương hiệu vàng “phi SJC” trên thị trường, những người dân nắm giữ vàng không cần vội vã “bán đổ bán tháo” như giá vàng nguyên liệu. Và, bất kể lúc nào, giá phân kim từ vàng “phi SJC” sang SJC chỉ tương đương 1/1.000 giá trị một lượng vàng theo giá thị trường từng thời điểm.
Tất nhiên, lời “tư vấn” này hẳn không ích gì nhiều với những người đang muốn chuyển đổi nhanh vàng khác thành vàng SJC vì giá của chúng chênh lệch tới 2 - 3 triệu đồng/lượng.
Sư nói sư phải...!
Câu chuyện chuyển đổi vàng SJC không chỉ ở tiến độ, đại loại như: “mỗi ngày SJC chỉ chuyển đổi được 60 - 70 kg”, “3 phút kiểm xong một miếng” trong khi nhu cầu gấp nhiều lần mà còn ở chỗ: ai cũng cho rằng vàng mình đủ 4 số 9, việc “trượt vỏ chuối” khỏi máy của SJC là bởi lý do nào đó. Và con số 9 cuối cùng đang mở đầu cho cuộc tranh cãi theo kiểu “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”!
Trao đổi với bà Cao Ngọc Dung, Tổng giám đốc nhãn vàng Phú Nhuận (PNJ), bà nói: “PNJ luôn đúng tuổi 4 số 9. Hơn thế, tôi còn có trách nhiệm mua lại tất cả số vàng PNJ mà dân bán với giá tốt cho họ”.
Còn ông Vũ Huy Tăng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) lại giải thích việc sai lệch tuổi giữa vàng khác và vàng SJC là do... cân! “Vàng không đủ tuổi so với cân của SJC thì có nhiều lý do nhưng một lý do trong đó là do cân mỗi nơi mỗi khác”!
Theo ông Tăng, trên thị trường hiện nay có 4 chiếc “cân” hiện đại nhất của ý thì ở AJC một chiếc công suất kiểm định mỗi ngày (8 giờ sáng - 9 giờ tối) lên tới 1,5 – 1,6 tạ; một chiếc thứ hai “nho nhỏ” ở Phú Nhuận, còn máy thứ ba của một doanh nghiệp tư nhân, công suất 15kg/mẻ, ngày cho 3 mẻ.
Còn chiếc máy ở SJC mỗi ngày phân kim được 3 mẻ, mỗi mẻ 7kg. Ông Tăng cho rằng, mỗi công nghệ của mỗi nhãn hàng mỗi khác. Vì thế cần có cơ quan có đủ điều kiện kỹ thuật, quyền lực pháp lý công nhận để tránh “sư nói, sư phải, vãi nói vãi hay” và cơ quan này phải là Trung tâm kiểm định quốc gia Việt Nam.
Cũng theo ông Tăng, máy móc là một chuyện, yếu tố con người cũng rất quan trọng trong việc xác định tuổi vàng. Ví dụ, dù máy móc chuẩn nhưng nếu để chế độ nhiệt độ không phù hợp, hoặc đặt chế độ cân thử không đúng..., cũng làm cho sai lệch tuổi vàng.
Những gì ông Tăng nói không phải không có cơ sở nhưng một chuyên gia lại có cách nhìn khác. Theo ông, dù là máy móc của ai, độ chính xác đến mức nào, thậm chí là của Trung tâm kiểm định quốc gia nhưng với bề dày thương hiệu được khẳng định trên thị trường hàng chục năm và chiếm tới 90% thị phần, chưa kể nhãn hàng này được công nhận giao dịch tại các trung tâm vàng quốc tế thì họ có quyền chỉ tin vào máy móc của họ để bảo vệ thương hiệu.