Tỷ giá vẫn tiếp tục chịu áp lực

(ĐTTCO) - Chỉ số Dollar Index (DXY) đã giảm hơn 10% so với đầu năm, hiện chỉ còn 97,05 điểm tính đến ngày 4-7. Tuy nhiên, đồng Việt Nam vẫn chịu áp lực mất giá đáng kể khi tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 3% kể từ đầu năm.

Tỷ giá vẫn tiếp tục chịu áp lực

Diễn biến này phản ánh những áp lực phức tạp từ cả bên ngoài lẫn trong nước, bao gồm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng, cùng với nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế vẫn ở mức cao.

DXY giảm mạnh, VNĐ vẫn chịu sức ép

Cuối tháng 2-2025, chỉ số DXY dao động trong vùng 107-108 điểm, sau đó giảm dần đến đầu tháng 6 hạ xuống vùng 99-98 điểm, và đóng cửa ở mức khoảng 97,05 điểm vào ngày 3-7.

Như vậy chỉ số DXY đã giảm hơn 10% kể từ đầu năm. Nguyên nhân do đồng USD suy yếu trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến, trong khi đà tăng trưởng kinh tế chậm lại. Thị trường bắt đầu định giá lại chính sách tiền tệ, và kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ chuyển sang chu kỳ nới lỏng sớm hơn, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, nên đồng USD kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và độ bất định chính sách ở Mỹ gia tăng, nhiều nhà đầu tư có xu hướng điều chỉnh danh mục, giảm tỷ trọng nắm giữ USD và chuyển sang các tài sản định giá bằng đồng tiền khác, cũng khiến đồng USD chịu sức ép giảm giá.

Cùng lúc, những lo ngại về thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ gia tăng, và triển vọng không chắc chắn xung quanh các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu khi thời điểm ngày 9-7 đang đến gần, cũng ảnh hưởng đến đồng bạc xanh.

Thế nhưng, tỷ giá USD/VND vẫn neo ở ngưỡng cao và chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 4-7, tỷ giá trung tâm ở mức 25.116 đồng/USD, tăng 3,2% so với cuối năm 2024. Theo biên độ +/-5% tỷ giá trần, các NH được phép giao dịch lên đến 26.371 đồng/USD.

Cũng trong phiên này, tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN lên mức 23.887 - 26.295 đồng/USD (mua vào - bán ra). Tại Vietcombank, tỷ giá USD được niêm yết ở mức 25.980 - 26.370 đồng/USD. Cùng thời điểm, một số nhà băng niêm yết giá bán ra ở mức kịch trần 26.371 đồng/USD, đây là mức đỉnh mới của giá USD được lập cho đến thời điểm này, tương ứng mức tăng 3,2% so với cuối năm 2024. Còn tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch ở mức 26.370 - 26.470 đồng/USD, tăng 2,5%.

Các chuyên gia nhận định, gần đây mức chênh lệch lãi suất VND - USD bị san bằng, đã khiến nhu cầu phòng thủ USD tăng vọt, gây sức ép lên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, tỷ giá tăng một phần còn đến từ hoạt động mua ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước (KBNN), hút bớt nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.

Tính từ đầu năm đến nay, KBNN đã có 11 đợt chào mua ngoại tệ với tổng quy mô gần 1,9 tỷ USD. Việc Kho bạc Nhà nước tổ chức đấu thầu mua USD (thông thường mục đích chính là trả nợ nước ngoài), trong khi giá trị đồng USD vẫn duy trì ở mức cao sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm đà tăng của tỷ giá.

Cùng thời điểm, nhu cầu USD của doanh nghiệp tăng cao do thương mại toàn cầu biến động, trong khi lãi suất liên ngân hàng VND lại rơi xuống mức thấp nhất trong 13 tháng, khiến chênh lệch lãi suất VND-USD đảo chiều âm mạnh, tiếp tục gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cần duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích tiêu dùng và đầu tư, tăng cung tiền thông qua tín dụng, cũng ảnh hưởng đến tỷ giá.

Áp lực vẫn hiện hữu

Ngoài những yếu tố kể trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH cũng bổ sung, tỷ giá trong nước cũng đang trong chiều hướng tăng có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do chính là VNĐ suy yếu hơn USD.

Mặc dù đồng USD đã suy yếu trong nửa đầu năm 2025, USD Dollar Index đã xuống dưới 100, song VNĐ mất giá nhiều hơn so với đồng USD, từ đó cũng đẩy tỷ giá lên. Đồng thời, tỷ giá cũng đi theo năng lực của quốc gia, và câu chuyện biến động xung quanh thuế quan cũng ảnh hưởng đến VNĐ. Dự báo cả năm VNĐ có thể mất giá khoảng 5%.

Mặt khác, theo số liệu của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu đã có xu hướng giảm trong tháng 6, đạt khoảng 39 tỷ USD, tương ứng giảm 1,5%, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 431 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 219 tỷ USD (tăng hơn 14%), nhập khẩu đạt hơn 212 tỷ USD (tăng gần 18%). Tuy nhiên, con số trên cũng cho thấy mức thặng dư thương mại giảm mạnh, chỉ đạt gần 7,2 tỷ USD (giảm gần 41%).

TS. Hiếu cho biết, hiện nay nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam đâu đó khoảng 80 tỷ USD. Trong nửa năm đầu năm 2025, bình quân 3 tháng nhập khẩu của Việt Nam là 105 tỷ USD, tức là dự trữ ngoại hối đã rất mỏng. Nếu sắp tới ngoại thương bị tác động bởi yếu tố thuế quan, có thể làm hao hụt đi nguồn ngoại tệ thu về, từ đó có thể sẽ đẩy tỷ giá lên.

Trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng, phiên giao dịch 24-6 ghi nhận diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ, khi NHNN đã thực hiện phát hành tín phiếu trở lại sau gần 4 tháng tạm dừng. Động thái mở lại kênh phát hành tín phiếu cho thấy, định hướng hút bớt thanh khoản hệ thống của NHNN trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang neo ở mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, nhìn về nửa cuối năm 2025, một số yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ. Đồng USD hiện đang bị định giá tương đối thấp, nếu chỉ xét trên góc độ lãi suất so với EUR và GBP, trong bối cảnh Fed duy trì lập trường thận trọng về việc cắt giảm lãi suất, với kỳ vọng sẽ có từ hai đến ba đợt cắt giảm, mỗi đợt 25% trong năm 2025.

Đồng thời, NHNN đang theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc duy trì môi trường lãi suất thấp, hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng tín dụng, trong khi tỷ giá trong nước cũng phần nào hưởng lợi từ đà suy yếu của USD.

Trong dự báo gần đây nhất của các chuyên gia UOB, VND sẽ tiếp tục dao động ở vùng giá yếu trong biên độ giao dịch với USD đến hết quý III-2025. Từ quý IV- 2025 trở đi, VND có thể bắt đầu lấy lại đà phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á, khi bất ổn thương mại dần lắng dịu.

Rủi ro đối với sự ổn định tỷ giá và lạm phát có thể gia tăng, nếu dòng vốn ngoại chảy vào không đạt kỳ vọng, đặc biệt dưới tác động của các chính sách thuế đối ứng từ Mỹ, có khả năng gây gián đoạn cán cân thanh toán của Việt Nam.

Các tin khác