​Giải mã “trường quốc tế” - Lập lờ mô hình quốc tế

(ĐTTCO) - LTS: Những năm gần đây, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, các tổ chức, cá nhân tham gia ngày càng nhiều vào lĩnh vực giáo dục. Một mặt, sự xuất hiện của hệ thống các trường ngoài công lập đã giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước; mặt khác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy quá trình hội nhập. 

Tuy nhiên, thực tế hoạt động đã xuất hiện nhiều hiện tượng vi phạm quy định pháp luật, lập lờ giữa các chương trình đào tạo, học phí không tương xứng với chất lượng, gây ảnh hưởng quyền lợi học sinh.

Hơn 20 năm trước, mô hình trường phổ thông đào tạo theo chuẩn quốc tế đã bắt đầu xuất hiện ở TPHCM. Thời điểm đó, phụ huynh có rất ít sự lựa chọn bởi số lượng trường mở ra không nhiều, học phí lại thuộc hàng “khủng”, nên rất kén học sinh. Đến nay, tên gọi “trường quốc tế” đã xuất hiện đại trà ở tất cả bậc học, học phí chênh lệch từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, song chất lượng “thượng vàng hạ cám” đang gây hoang mang cho phụ huynh.

Bên trong khuôn viên cơ sở 2, Trường Mầm non quốc tế WorldKids (phường 15, quận Gò Vấp)

Bên trong khuôn viên cơ sở 2, Trường Mầm non quốc tế WorldKids (phường 15, quận Gò Vấp)

Đua theo trào lưu “quốc tế”


Trong vai phụ huynh đang tìm trường mầm non cho con, chúng tôi được nhân viên tư vấn Trường Mầm non quốc tế WorldKids (hiện có 5 cơ sở tại các quận: 1, Gò Vấp và Bình Tân) giới thiệu, chương trình học của trường gồm 2 phần. Buổi sáng, các bé học theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT; buổi chiều học tiếng Anh tăng cường với thời lượng 30 phút/ngày, kết hợp thêm các chương trình giáo dục kỹ năng sống, cảm thụ âm nhạc và phát triển tư duy logic.

Chúng tôi đặt câu hỏi về “chuẩn quốc tế”, phía nhà trường giải thích, chương trình giảng dạy áp dụng triệt để hai phương pháp giáo dục là Montessori (với nguyên tắc kỷ luật trong tự do) và phương pháp Glenn Doman (dạy trẻ nhận thức sớm thông qua các thẻ bài), kết hợp thêm chương trình phát triển toán tư duy của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, giáo trình tiếng Anh nhà trường đang sử dụng là bộ sách “Little Friend và First Friend” do Nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành. Với những phương tiện đó, nhà trường cam kết sẽ tạo ra môi trường học tập hiện đại, trẻ được tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, chưa nói đến hiệu quả (nếu có) khi kết hợp cùng lúc quá nhiều phương pháp giáo dục, phụ huynh có thể “vỡ mộng” khi tham quan cơ sở vật chất của nhà trường. Cụ thể, chỉ một đoạn ngắn trên đường Lê Đức Thọ (thuộc phường 15, quận Gò Vấp), trường này có đến 3 cơ sở đang hoạt động. Đáng nói, tất cả cơ sở đều là căn biệt thự hoặc nhà dân được cải tạo lại, diện tích sân chơi hạn chế, thiếu nhiều điều kiện của một trường mầm non theo tiêu chuẩn quốc tế như hồ bơi, nhà thi đấu đa năng, phòng học âm nhạc, mỹ thuật…

Tương tự, khi tìm hiểu Trường quốc tế THCS-THPT Việt Anh, có 2 cơ sở ở quận Gò Vấp và quận Phú Nhuận, người viết khá bất ngờ khi chương trình được giới thiệu “chuẩn quốc tế”, nhưng chỉ ở 2 môn là tiếng Anh và tin học, học sinh được công nhận trình độ dựa trên chứng chỉ quốc tế, còn lại tất cả môn học đều dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Đáng nói, trên website nhà trường còn khẳng định chất lượng đầu ra của học sinh là “đạt được bằng tốt nghiệp THPT quốc gia, đủ điều kiện xét tuyển vào các chương trình cao đẳng, đại học trong và ngoài nước”.

Như vậy, dù mang danh là “quốc tế”, nhưng cả hai yếu tố quan trọng là chương trình đào tạo và chất lượng đầu ra của học sinh đều không khác biệt so với trường công lập. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường lợi dụng hai chữ “quốc tế” để thu học phí cao hơn trường công lập, song chương trình học về cơ bản không khác chương trình của Bộ GD-ĐT.

Một số môn học như tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống được tăng cường, nhưng bằng cấp không có giá trị liên thông quốc tế. Có thể kể đến một số hệ thống trường như Quốc tế Á Châu (13 cơ sở trải đều ở nhiều quận huyện), Quốc tế Ngôi sao nhỏ (quận Bình Tân), THPT dân lập quốc tế (quận Phú Nhuận)...

Phụ huynh cần tỉnh táo

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết hiện nay trong tất cả văn bản quy định pháp luật không có tên gọi “trường quốc tế” mà chỉ là “trường có yếu tố nước ngoài”. Ở TPHCM có 21 trường “có yếu tố nước ngoài” đang hoạt động, gồm trường do tổ chức nước ngoài thành lập, giảng dạy chương trình nước ngoài dành cho con em người nước ngoài (trường của các đại sứ quán mở ở Việt Nam để dạy cho con em cán bộ ngoại giao); trường có vốn đầu tư nước ngoài dành cho con em người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và một bộ phận (không quá 50%) học sinh người Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, phụ huynh hiện nay đang có xu hướng nhầm lẫn giữa trường dạy chương trình quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài, nhưng trên thực tế không phải trường tư thục nào giảng dạy chương trình quốc tế, cũng là trường có vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, trong tất cả quy định đặt tên trường hiện nay, không có điều luật nào cấm các trường sử dụng hai chữ “quốc tế” trong tên gọi; vì vậy, không có cơ sở pháp lý khẳng định trường đạt chuẩn quốc tế hay không.

Theo các chuyên gia giáo dục, cách hiểu phổ biến nhất về “trường quốc tế” hiện nay là trường có chuẩn đầu ra có thể chuyển tiếp học sinh tại Việt Nam tiếp tục theo học các bậc học cao hơn ở nước ngoài. Để đạt được yêu cầu đó, các trường phải có đội ngũ giáo viên và học sinh đa quốc gia, đa ngôn ngữ, chương trình giáo dục được các tổ chức quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, do chưa được quy định một cách cụ thể và rõ ràng trong luật (Luật Giáo dục 2019 chỉ công nhận 3 loại hình trường gồm: công lập, tư thục và dân lập) nên nhiều đơn vị tư thục đã lợi dụng tên gọi này với mục tiêu trục lợi, nâng cấp hình ảnh, tăng thêm sự chú ý và thu hút học sinh.

Vì vậy, lời khuyên chung cho các bậc phụ huynh là không nên chạy theo mác “quốc tế” mà hãy cân nhắc, tìm hiểu kỹ môi trường, chương trình giáo dục, cũng như chuẩn đầu ra của học sinh trước khi lựa chọn môi trường học tập phù hợp cho con em; tránh xảy ra tình trạng “tiền mất, tật mang” hoặc kiện tụng kéo dài, gây ảnh hưởng quyền lợi học sinh. 

Việc đặt tên trường được quy định rõ trong điều lệ trường của các cấp học và Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Theo đó, tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành, được sắp xếp theo trật tự “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và “tên riêng”, không vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng) sẽ căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ “quốc tế” mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định
Ông PHẠM QUANG HƯNG
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT

Người đưa đón học sinh trường Gateway mời luật sư

Ngày 20-8, thông tin mới nhất liên quan tới sự việc học sinh trường Gateway tử vong trên xe đưa đón hôm 6-8, người đưa đón học sinh là bà Nguyễn Bích Quy đã có đơn mời luật sư tham gia cùng mình trong các giai đoạn tố tụng tại cơ quan điều tra.

Theo đó, đơn vị luật sư được bà Nguyễn Bích Quy mời là Văn phòng luật sư Thành Sơn và Cộng sự. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Thành Sơn cho biết, trong đơn gửi văn phòng, bà Quy nhờ tư vấn và tham gia các giai đoạn tố tụng tại cơ quan điều tra, bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình tại cơ quan tố tụng. Cùng ngày, bà Quy và đại diện văn phòng luật sư đã có buổi làm việc với cơ quan điều tra Công an quận Cầu Giấy về các thủ tục liên quan. Theo ông Sơn, bà Nguyễn Bích Quy vẫn tiếp tục làm việc với cơ quan điều tra, khi cần trợ giúp về pháp lý, văn phòng luật sư Thành Sơn và Cộng sự sẽ trợ giúp.

Trước đó, liên quan tới sự việc, mạng xã hội xôn xao thông tin lái xe Doãn Quý Phiến (tài xế trong vụ cháu bé học trường Gateway tử vong) chết bất thường, gây ra nhiều đồn đoán khác nhau. Lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy đã lên tiếng khẳng định, chưa có thông tin lái xe trường Gateway tự tử cũng như việc khởi tố bị can hay lệnh tạm giam đối với lái xe.

GIA KHÁNH

Các tin khác