Giải ngân đầu tư công vẫn chưa cải thiện do vướng quy định

(ĐTTCO) - Câu chuyện chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương không phải mới khi trung ương thúc giục. Trong khi đó, ở các địa phương cho rằng do những vướng mắc về mặt quy định, chính sách chưa được tháo gỡ.

Công trình đang thi công tại nút giao An Phú, TP Thủ Đức.
Công trình đang thi công tại nút giao An Phú, TP Thủ Đức.

Chậm ở Trung ương lẫn các địa phương

Một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ về đầu tư công cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Điều đáng nói là chậm ở cả Trung ương lẫn cả các địa phương. Theo đó, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2024 được Thủ tướng giao là gần 664.000 tỷ đồng. Tổng số vốn đã phân bổ là hơn 685.000 tỷ đồng, đạt hơn 103% kế hoạch.

Thế nhưng, về giải ngân vốn kế hoạch năm 2024, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-3 là 80.689 tỷ đồng, chỉ mới đạt 11% kế hoạch. Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hơn 1.600 tỷ đồng (đạt hơn 27% kế hoạch triển khai). Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-4 gần 116.000 tỷ đồng, đạt hơn 16% tổng kế hoạch và đạt hơn 17% kế hoạch Thủ tướng giao.

Theo Bộ Tài chính, hiện vẫn còn 21/44 bộ, cơ quan Trung ương và 31/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là gần 21.200 tỷ đồng, chiếm hơn 3% kế hoạch.

Riêng ở địa phương, theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4 có 316 dự án, tiểu dự án tại 48 địa phương vẫn “dậm chân tại chỗ”, với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là… 0%. Cụ thể, Điện Biên là tỉnh có số lượng dự án chưa giải ngân nhiều nhất lên tới 105 dự án, với tổng vốn được giao gần 344 tỷ đồng.

Tiếp đó là các tỉnh Sơn La (22 dự án); Hòa Bình (18 dự án); Quảng Bình (13 dự án); Bắc Kạn (9 dự án); các tỉnh Đắk Nông, Nghệ An, Hà Tĩnh (mỗi tỉnh 8 dự án); Bắc Giang, Quảng Trị, Bình Thuận, Hà Giang (mỗi tỉnh 7 dự án).

Hà Nội hiện có 2 dự án là dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai (450 tỷ đồng), và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (4.190 tỷ đồng).

Tỉnh Lâm Đồng dù chỉ có 6 dự án nằm trong danh sách giải ngân 0%, nhưng số vốn đầu tư địa phương triển khai năm 2024 chưa giải ngân đến ngày 30-4 lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó dự án tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) có kế hoạch vốn đầu tư 800 tỷ đồng.

Địa phương “than” khó

Lý giải về việc chậm tiến độ giải ngân cho các dự án đầu tư công, theo các địa phương vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định trong luật chưa “khớp” với thực tế.

Đầu tiên là thời gian theo quy định hành chính. Đơn cử, tỉnh Đồng Nai cho biết về thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn theo Điều 52 Luật Đầu tư công quy định, HĐND cấp tỉnh quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, trong trường hợp dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương đã vượt quá thời gian bố trí vốn (nhóm A tối đa 6 năm, nhóm B tối đa 4 năm, nhóm C tối đa 3 năm).

Tuy nhiên, vốn ngân sách địa phương gồm vốn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, theo đó việc giao chi tiết kế hoạch vốn hàng năm của từng dự án do HĐND cùng cấp thông qua Nghị quyết. Do đó, để phù hợp trong việc triển khai thực hiện, tỉnh kiến nghị cho phép HĐND cùng cấp quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương thuộc cấp mình quản lý.

Bên cạnh đó, về trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước tại Khoản 3 Điều 46 Nghị định 40/2019/NĐ-CP cũng còn bất cập. Do đó, địa phương kiến nghị chấp thuận cho địa phương được phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm vốn ngân sách địa phương trong năm kế hoạch.

Định giá đất trong các dự án đầu tư công cũng được cho là khâu khiến các địa phương “đau đầu”. Theo phản ánh của tỉnh Gia Lai, việc xác định giá đất còn nhiều bất cập, dẫn tới nhiều dự án bị ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng, do chưa phê duyệt được giá đất cụ thể và hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, nên chưa có cơ sở phê duyệt được phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới việc bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Do đó, để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014, quy định phương pháp định giá đất bảo đảm khi được ủy quyền.

Một vướng mắc khác khiến đầu tư công chậm được giải ngân, đó là sự phức tạp của các dự án thực hiện theo hình thức xã hội hóa và “chìa khóa trao tay”. Đơn cử, theo phản ánh của tỉnh Bình Dương, theo quy định pháp luật về đầu tư công và quy định khác có liên quan, việc thực hiện đầu tư từ nguồn tài trợ xã hội hóa chưa có quy định hướng dẫn cũng như quy trình thực hiện. Do đó, tỉnh không có cơ sở để thực hiện vì thiếu khung khổ pháp lý.

Thêm vào đó, việc mở rộng các dự án đầu tư công theo hình thức PPP cũng gặp khó khăn, khi Bộ KH-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, cần phải sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể về trường hợp cần triển khai thực hiện giám sát hoạt động đấu thầu, sớm sửa đổi quy định theo hướng giao các cơ quan tài chính, xây dựng cũng như quy định về thực hiện giám sát đối với các gói thầu chuyên ngành.

Các tin khác