Năm 2012

Giải quyết tận gốc lạm phát

Trao đổi với ĐTTC về kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của năm 2012, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (ảnh), cho rằng nếu năm nay không triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định vĩ mô thì việc kiềm chế lạm phát gặp rất nhiều thách thức.

Trao đổi với ĐTTC về kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của năm 2012, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (ảnh), cho rằng nếu năm nay không triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định vĩ mô thì việc kiềm chế lạm phát gặp rất nhiều thách thức.

Kiên trì, nhất quán sẽ đạt mục tiêu

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 từ 6-6,5%, lạm phát dưới 10% khó đạt. Quan điểm của ông thế nào?

- TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Các chỉ tiêu này đã được Quốc hội, Chính phủ công bố rõ. Về mặt chính sách, ưu tiên số 1 trong năm nay là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời bắt đầu triển khai việc tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều người cho rằng khó có thể đạt được tăng trưởng 6% vì tổng vốn đầu tư toàn xã hội nước ta đã giảm từ 40% GDP (năm 2010) xuống 34% (2011), tăng trưởng năm 2011 chỉ đạt khoảng 6%. Xuất khẩu năm 2011 tăng đến 35% là một kênh tạo ra tăng trưởng, nhưng năm nay xuất khẩu dự kiến chỉ tăng 13%. Vì vậy, con số GDP 6% khó có thể đạt được.

Tuy nhiên, theo tôi nếu ngay từ bây giờ Chính phủ quyết tâm kiên trì chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với việc thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tài khóa, đồng thời cắt giảm đầu tư công, kinh tế vĩ mô ổn định thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể.

Tái cơ cấu nền kinh tế, cắt giảm đầu tư công không chỉ là giải bài toán kinh tế thuần túy mà còn đòi hỏi sự cương quyết, kiên định của các nhà lãnh đạo, các cơ quan quản lý thẩm định dự án đầu tư, phân bổ vốn với sự đồng thuận của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của xã hội. Nếu vượt qua được những thách thức đó, chúng ta sẽ tạo ra một nền tảng mới về thể chế, động lực phát triển, tăng sức bật nền kinh tế. Tôi cho rằng, cơ hội nằm ở chính chỗ chúng ta có vượt qua được các thách thức đó hay không.

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Lòng tin của người tiêu dùng, của nhà đầu tư sẽ quay trở lại. Điều này là tiền đề quan trọng nhất để tạo ra sự khác biệt của năm 2012 so với vài năm gần đây. Đó cũng là điểm rất sáng, điểm để kích thích động lực tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Nếu làm được điều đó mới có thể đạt mức tăng trưởng GDP như dự kiến.

- Vậy theo ông phải làm gì để thực hiện các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2012 được thông suốt?

- Cùng với những việc nêu trên, tái cơ cấu đầu tư công phải làm triệt để. Chính phủ đã chỉ rõ phải cắt giảm đầu tư công, đồng thời ưu tiên đầu tư vào những dự án hoàn thành trong năm 2012. Với cách làm như vậy dù ít vốn nhưng số công trình hoàn thành để đưa vào sử dụng có thể tăng lên, hiệu quả đầu tư công vì thế có thể tăng lên vượt bậc so với những năm trước. Đồng thời, nếu tạo ra được năng lực sản xuất thì dù đầu tư công có giảm vẫn giúp tạo ra xung lực mới về tăng trưởng năm 2012.

Với cách nhìn đó, sẽ không thấy mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số và giảm đầu tư xuống còn 35%. Tôi xin nhấn mạnh lại, điều quan trọng là Chính phủ phải kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt để giảm bằng được lạm phát dưới 10%, thiết lập lại những cân đối lớn của nền kinh tế một cách vững chắc. Nếu làm đồng bộ những việc này, theo tôi khả năng đạt được kịch bản như Quốc hội, Chính phủ đã công bố là rất lớn.

Chống lạm phát phải từ gốc

- Đâu là thách thức lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2012?

- Thách thức vẫn còn nhiều. Kinh tế thế giới có xu hướng chung là xấu đi, nhiều bất ổn. Nhưng quan trọng nhất là những thách thức bên trong nền kinh tế nước ta. Thách thức đầu tiên là phải kiên trì chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, vì có những áp lực khá lớn.

Thứ hai, tái cơ cấu đầu tư công phải đồng bộ. Ở đây có mâu thuẫn lớn giữa một bên là nhu cầu của tất cả các dự án đang thực hiện rất lớn, trong lúc đó khả năng vốn cân đối được lại rất hạn chế. Tái cơ cấu đầu tư công, một loạt dự án phải cắt giảm, đồng thời phải bố trí lại nguồn vốn, khi đó rất nhiều người có lợi ích liên quan sẽ bị thiệt thòi.

Cắt giảm đầu tư công nhưng phải ưu tiên những dự án hoàn thành năm 2012 mới có thể tăng hiệu quả đầu tư công (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). Ảnh: LÃ ANH

Cắt giảm đầu tư công nhưng phải ưu tiên
những dự án hoàn thành năm 2012
mới có thể tăng hiệu quả đầu tư công
(ảnh chỉ mang tính chất minh họa).
Ảnh: LÃ ANH

- Con số lạm phát của năm 2011 được coi là hệ quả của điều hành vĩ mô trong những năm trước đó. Đây cũng được coi là tình trạng “lạm phát khứ hồi”. Vậy liệu năm 2012 có xảy ra tình trạng “lạm phát khứ hồi”?

- Lạm phát ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân bên ngoài do giá thị trường thế giới. Còn nguyên nhân bên trong thì có 3 cấp độ. Đầu tiên là mô hình tăng trưởng của chúng ta thiên về chiều rộng quá lâu và hiện nay đã không còn phù hợp, đó là gốc rễ của lạm phát: nền kinh tế hiệu quả thấp.

Tiếp đến là nền kinh tế hiệu quả thấp nhưng lại tăng trưởng cao, vì thế phải đầu tư. Rồi muốn đầu tư phải có tiền, vì vậy phải mở rộng tiền tệ, nới lỏng tài khóa. Tiền ra nhiều (tín dụng nhiều, tổng phương tiện thanh toán lớn) lại gây nên lạm phát.

Chính những yếu kém nội tại đó của nền kinh tế phải được giải quyết chứ không phải chống lạm phát ở phần ngọn, nên xã hội còn hoài nghi lạm phát liệu có được giải quyết một cách triệt để. Khứ hồi là ở chỗ, lạm phát chưa được giải quyết từ gốc nên xảy ra tình trạng: cứ thắt chặt tiền tệ, tài khóa khi chưa tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả thì sau một thời gian thực hiện nới lỏng tiền tệ lạm phát quay trở lại theo vòng khứ hồi.

Nguyên nhân gốc rễ của lạm phát vẫn nằm ở đó, lâu nay Chính phủ mới chỉ giải quyết lạm phát ở tầng thứ 2 của vấn đề (chính sách tiền tệ, tài khóa). Vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn nạn lạm phát phải đồng thời thực hiện thắt chặt tiền tệ, tài khóa; ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc bằng việc tái cơ cấu nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác