Sân khấu kịch nghệ, tụ điểm ca nhạc và hệ thống chiếu phim đều đóng cửa. Truyền hình sẽ thắng thế? Đúng là công chúng ngồi nhà để thưởng thức các tiết mục trên màn ảnh nhỏ, nhưng Covid-19 cũng gây trở ngại cho những nhà sản xuất chương trình. Kế hoạch phát sóng của hầu hết game show trên tivi đều đảo lộn.
Những game show ăn khách nhất đều không thể tổ chức ghi hình đúng thời gian. Game show càng đông thành phần khán giả càng khó thực hiện. Không thể quy tụ khán giả, những game show hào hứng như “Giọng ải giọng ai”, “Thách thức danh hài” chấp nhận hủy kèo. Ngay cả game show chỉ có người thi và giám khảo như “Người mẫu Việt Nam” cũng hoãn, vì người cầm trịch là siêu mẫu Võ Hoàng Yến phải cách ly tập trung sau khi lưu diễn ở Mỹ trở về.
Trong bối cảnh trên, công chúng tìm kiếm những kênh giải trí trên mạng. Chỉ cần mở điện thoại thông minh, hàng trăm kênh giải trí xuất hiện, có đủ cả âm nhạc lẫn điện ảnh. Ứng dụng giải trí hàng đầu nước ta hiện nay là POPS đã đạt được lượng truy cập tăng vọt trong tháng 3. Kênh YouTube của POPS tăng trưởng 22% trong nửa đầu tháng 3 và tăng trưởng 40% trong nửa cuối tháng 3. Đại diện của POPS cho biết, có những sản phẩm cũ tưởng không còn thu hút người xem cũng hồi sinh ngoạn mục. Đặc biệt, hình thức livestream của nghệ sĩ tăng 300% người theo dõi và tương tác.
Một nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến khác là Keeng cũng đạt được những kết quả ngoài tưởng tượng. Chỉ riêng bộ phim “Người thầy y đức” được Keeng mua bản quyền để phát sóng cùng lúc với Đài truyền hình SBS của Hàn Quốc, đã mang lại lượt xem lý tưởng. Bộ phim sitcom “Chuyện ba chàng lính trẻ” do Viettel Media sản xuất, khi được Keeng phát sóng cũng thu hút hàng triệu lượt xem mỗi tập.
Thị trường giải trí trực tuyến của Việt Nam đã hình thành nhiều năm nay, nhưng giữa đại dịch toàn cầu, giá trị của nó đã được khẳng định. Những nhà đầu tư cung cấp các chương trình trên mạng cho biết phát triển giải trí trực tuyến là xu hướng tất yếu. Kể cả khi không có dịch bệnh, giải trí trực tuyến vẫn phát triển và được lựa chọn ngày càng nhiều bởi yếu tố nhanh chóng, tiện lợi, phong phú. Các đơn vị cung cấp nội dung và nền tảng giải trí đang nỗ lực đầu tư để trở thành lựa chọn được ưu tiên của công chúng.
Thế nhưng, khi mọi ánh mắt đều trông vào thị trường giải trí trực tuyến, người ta cũng không khó phát hiện nhiều bất cập đang tồn tại. Một trong những vấn đề gay gắt nhất là bản quyền. Chỉ cần sản phẩm ăn khách, lập tức bị sao chép ra hàng chục kênh khác nhau. Giới kinh doanh giải trí trực tuyến cho rằng quảng cáo là nguồn dinh dưỡng cho những website vi phạm bản quyền, gián tiếp là các kẻ trộm thông tin mạng. Thực chất của việc xem phim không mất tiền nhằm thu hút khán giả, qua đó giúp hút quảng cáo cho những đơn vị này.
Đại diện một công ty cung cấp ứng dựng giải trí trực tuyến, phân tích: “Cách đây 1-2 năm, thị trường giải trí trực tuyến phát triển tự phát, khi các nhóm sáng tạo trẻ đơn thuần là đam mê, sản xuất các phim ngắn, clip sau đó tải lên YouTube, nhưng hiện nay mọi thứ đã khác. Nhiều nội dung được đầu tư bài bản, có định hướng, xác định được đối tượng khán giả và họ đã thành công. Nhiều đơn vị nước ngoài cũng đã hợp tác trong việc cung cấp, sản xuất nội dung. Khi thị trường ngày càng phát triển, sự cạnh tranh càng khốc liệt, buộc các nghệ sĩ, đơn vị sản xuất phải không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, sẽ có nhiều sản phẩm được đầu tư bài bản từ kinh phí cho đến nhân lực cũng như ý tưởng.
Với biên bộ mở của internet, thị trường giải trí trực tuyến không còn mang tính “sân nhà” cho những người đầu tư. Ở thời điểm virus corona đang hoành hành, Netflix đã chinh phục được một bộ phận khán giả Việt Nam. Những nhà làm phim cũng ưu tiên ký gửi sản phẩm cho Netflix thay vì hợp tác với các đối tác trong nước. Kho phim của Netflix thu hút hàng triệu lượt xem từ Việt Nam mỗi ngày. Điều đáng nói, cuối tháng 3 trong top 10 phim thịnh hành trên Netflix Việt Nam chỉ duy nhất có bộ phim Việt là “Em chưa 18”, còn lại đều là phim Hàn Quốc. Nhưng khi khán giả tránh Covid-19 bằng cách giải trí trực tuyến, Netflix đã bổ sung một loạt phim Việt vào thư mục phục vụ. Bằng cái nhìn lạc quan, không ít ý kiến hy vọng sau đại dịch Covid-19, phim Việt sẽ được nhiều người Việt thích thú hơn.
Dù các ứng dụng giải trí trực tuyến không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, những kênh YouTube cá nhân vẫn đắc thắng trong thời Covid-19. YouTube quy định kênh cá nhân chỉ có thể bật tính năng kiếm tiền khi đã đủ 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký. Và ngay khi tinh thần “ai ở đâu ngồi yên đấy” được thực thi, hàng loạt kênh cá nhân trên YouTube được dịp hốt bạc. Khoản thu nhập YouTube trả cho các kênh cá nhân được chia thành từng khu vực cụ thể. 1 kênh YouTube ở Việt Nam có thể nhận được 600-3.000 đồng cho 1 lượt xem quảng cáo, thấp hơn nhiều so với kênh YouTube cá nhân ở thị trường Âu - Mỹ được trả 6-10USD. Thế nhưng, không ít kênh cá nhân ở Việt Nam trong tháng 2 và 3 được YouTube trả cho khoản tiền lên đến vài chục ngàn USD nhờ lượng xem tăng kỷ lục.
Theo Social Blade, chuyên trang phân tích các kênh YouTube, thu nhập của những kênh “hot” ở Việt Nam trong mùa Covid-19 có thể đến hàng trăm ngàn USD. Thí dụ, kênh cá nhân của Sơn Tùng M-TP, của Hậu Hoàng hoặc của Bà Tân Vlog. Hầu hết nghệ sĩ đều chuyển sang đầu tư sản phẩm để phát hành trên mạng trong đại dịch toàn cầu. Dẫu không so được với Sơn Tùng - MTP, nhưng kênh cá nhân của ca sĩ Mỹ Tâm, nghệ sĩ Đen Vâu, ca sĩ Đức Phúc, diễn viên Nhật Kim Anh… đều ăn nên làm ra không thua kém các công ty mì gói.