Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là gần 25.200 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định).
Dù được cho là đề xuất nhân văn trong bối cảnh nhiều người dân còn gặp khó khăn giai đoạn hậu Covid-19, tuy nhiên vẫn có những luồng ý kiến khác xung quanh đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Vấn đề nhiều người quan tâm là, học phí bậc THCS hiện nay khoảng 60.000 đồng/tháng đối với học sinh thành thị. Theo Nghị định 81 của Chính phủ về học phí sẽ được thực hiện tới đây, mức sàn học phí bậc THCS là 300.000 đồng/tháng, tăng gấp 5 lần hiện nay. Trong cơ cấu chi cho việc học hành, học phí lại là khoản rẻ nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh có thể hồ hởi với thông tin miễn học phí, nhưng sau đó lại hụt hẫng vì thấy tổng số tiền phải nộp cho con cũng không giảm bao nhiêu. Trong khi đó, ngân sách sẽ phải tăng chi tới 25.200 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm tới cho đề xuất này. Để bù vào khoản miễn học phí, ngân sách sẽ phải cắt từ các khoản đầu tư khác, thì liệu có bất cập hay không?
Nhiều phụ huynh thẳng thắn, mấu chốt là kiểm soát được các khoản lạm thu, học thêm mà hiện nay người học đang phải gồng gánh. Còn với chính sách học phí, thay vì miễn một cách cào bằng cho tất cả học sinh, nên thiết kế chính sách hỗ trợ học phí đúng đối tượng, đúng nhu cầu sẽ có hiệu quả hơn. Bởi với những gia đình khó khăn, việc miễn học phí mới thật sự có nhiều ý nghĩa. Hoặc, có thể dùng 25.200 tỷ đồng đó hỗ trợ đầu tư trường học, tăng lương cho giáo viên.
Do gánh nặng của người học là các khoản lạm thu khác, vì vậy để hỗ trợ việc học hành cho học sinh khó khăn, ngành giáo dục cần xử lý triệt để tình trạng dạy học thêm tràn lan hiện nay cũng như chấn chỉnh việc lạm thu trong trường học. Đồng thời cần giảm bớt và xóa bỏ các khoản đóng góp ngoài quy định, những khoản đóng góp “tự nguyện” quá nặng nề do nhà trường đề xuất.