Giảm họp, nâng chất từ cơ sở

(ĐTTCO) - Việc UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án chế độ họp trong hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn TP, nhằm tìm giải pháp giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp, đang nhận được sự quan tâm của dư luận. 
Theo đó, UBND TP sẽ xây dựng khung pháp lý thống nhất về chế độ họp theo hướng đổi mới, chuẩn hóa quy trình tổ chức họp, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành kết hợp ứng dụng khoa học - công nghệ, giảm các cuộc họp không phù hợp, không cần thiết, đảm bảo giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian họp.
Đặc biệt, TP sẽ mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, và đến năm 2020 triển khai đến tận phường xã thị trấn, các đơn vị trực thuộc sở ngành. Cùng đó là các phần mềm trực tuyến giúp người dân và doanh nghiệp phản ánh trực tiếp các lĩnh vực có liên quan... để cán bộ, công chức tiếp nhận giải quyết và phản hồi kết quả đến lãnh đạo, giảm bớt các cuộc họp phát sinh.
Thực tế, việc họp hành quá nhiều, liên tục khiến lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, phường xã không có thời gian giải quyết công việc hay đi thực tế cơ sở, từ nhiều năm nay được coi là bệnh nan y ở TPHCM. Bình quân mỗi ngày có 6-10 cuộc họp ở TP và các sở ngành, ít nhất 10 cuộc họp tại nội bộ cơ quan giữa các phòng, ban…
Thậm chí, theo một thống kê năm 2017, tính trong 7 tháng bình quân mỗi lãnh đạo sở, ban, ngành dự 1.500-2.000 cuộc họp, mỗi người họp 3-4 lần 1 ngày, chưa kể các cuộc họp đột xuất. 4 đơn vị ở TP có số lượng cuộc họp nhiều nhất là Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Giao thông-Vận tải. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2017, các sở này tổ chức họp lần lượt là 3.203, 2.124, 2.000 và 861 cuộc họp.
Họp là hoạt động không thể thiếu trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang tiến hành họp theo kiểu phải mời đầy đủ các thành phần, các cấp đến họp. Trong đó có cả những thành phần không nhất thiết phải tham dự, bởi có dự cũng chỉ để… ngồi nghe. Thực tế, nhiều cuộc họp được tổ chức một cách vô bổ, không cần thiết.
Có thể xem những cuộc họp đó là biểu hiện của sự “sợ trách nhiệm”, hay vận dụng quá “triệt để” nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, nỗi lo sợ sai, thiếu tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm, đã tạo thói quen muốn họp để cùng quyết. Hội họp nhiều cũng là nguyên nhân khiến bộ máy biên chế đang phình to, tinh giảm mãi không được bởi lãnh đạo cấp phó bổ nhiệm nhiều để… đi họp. 
Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TPHCM giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo” tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, hiến kế cho lãnh đạo TPHCM nhằm cắt giảm các cuộc họp không cần thiết, để dành nhiều thời gian đi cơ sở. Ông nói: “Ai cũng thấy chúng ta họp nhiều quá, không còn thời gian đi cơ sở. Nếu mỗi năm giảm 10% số cuộc họp không cần thiết cho cả nhiệm kỳ 5 năm, sẽ giảm được 50% số cuộc họp”. 
Hay mới đây, tại buổi làm việc với Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh nếu bắt buộc phải họp, thông tin cần ngắn gọn, giải quyết những vấn đề trọng tâm đặt ra, không dài dòng mất thời gian. Cuộc họp phải đúng thành phần, quan trọng là nâng cao chất lượng và phải đúng giờ. Chủ tịch TP khẳng định lãnh đạo TP sẽ giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian để đi thực tế nắm bắt khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Giảm bớt những cuộc họp không cần thiết sẽ tăng được hiệu quả quản lý, điều hành, chỉ đạo của Chính phủ cũng như các bộ, ngành. Song mấu chốt của vấn đề chính là cơ chế. Việc giảm họp phải kèm theo quyết tâm cải tiến lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm cá nhân, cải cách cơ chế. Hiện nay Chính phủ đang quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính công hiện đại, tinh gọn và kiến tạo.
Mong rằng trong thời gian tới các bộ, ban, ngành và Quốc hội sẽ đưa ra các quyết sách, văn bản pháp luật phù hợp nhằm điều chỉnh, chấm dứt tình trạng nhức nhối này, để các cán bộ và cơ quan công quyền có thể yên tâm dành thời gian, công sức của mình phục vụ nhân dân.

Các tin khác