Giảm nhanh, phục hồi mạnh?

(ĐTTCO) - Sau 3 phiên giảm liên tiếp từ 13 đến 15-1, VN Index đã mất hơn 21 điểm, xuống còn 543 điểm. Khi ngưỡng tâm lý 550 điểm và vùng hỗ trợ 545-550 điểm của VN Index lần lượt bị xuyên thủng (trong phiên 15-1), sự bi quan lại bao trùm thị trường.

(ĐTTCO) - Sau 3 phiên giảm liên tiếp từ 13 đến 15-1, VN Index đã mất hơn 21 điểm, xuống còn 543 điểm. Khi ngưỡng tâm lý 550 điểm và vùng hỗ trợ 545-550 điểm của VN Index lần lượt bị xuyên thủng (trong phiên 15-1), sự bi quan lại bao trùm thị trường.

550 là chưa đủ?

Khoảng 2 năm qua, khi đã xuyên thủng 550 điểm, VN Index thường sẽ giảm xuống những mốc sâu hơn. Lần gần nhất VN Index thủng 550 điểm là vào ngày 24-8-2015, khi VN Index giảm gần 30 điểm từ 556 điểm xuống 526 điểm. Ngày 13-5-2015, VN Index giảm xuống khoảng 543 điểm và phục hồi nhẹ vào ngày kế tiếp nhưng sau đó lại có 2 phiên giảm xuống 529 điểm. Tuần này, lịch sử liệu có lặp lại với VN Index?

Nếu 2 phiên đầu tuần, thị trường xuất hiện những phiên giảm mạnh, VN Index giảm xuống khu vực 530 điểm, dòng tiền bắt đáy có thể sẽ đột biến và mở ra một đợt phục hồi ngắn hạn. Nếu VN Index tiếp tục diễn biến thất thường, phục hồi không đáng kể, thanh khoản thấp, nhiều khả năng sau đó sẽ xuất hiện những phiên buộc bên nắm giữ CP phải “rũ hàng” với giá cực thấp, lúc đó thị trường mới có thể bật nhanh trở lại.

Trước tiên, cần lý giải vì sao ngưỡng 550 điểm chỉ mạnh trên lý thuyết nhưng trong thực tế lại dễ thủng như vậy? Những năm gần đây, VN Index thường dao động trong khoảng 500-600 điểm và vùng 550 điểm nằm giữa, đóng vai trò bước đệm. Trong một xu hướng giảm từ 600 điểm (hoặc hơn) của VN Index, vùng 550 điểm được xem là có khả năng hỗ trợ (đáy) vì nó ghi nhận một đợt giảm khoảng 10% (với thị trường chung), còn với một số CP có thể lên khoảng 20%. Ngay tại vùng 550 điểm, những người nắm giữ CP mua với giá cao thường có tâm lý hy vọng thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại. Dù khoảng cách từ 550 lên 600 điểm và 550 xuống 500 điểm là bằng nhau về mặt số học, nhưng về tâm lý mà nói, sự bi quan sẽ khiến nhiều người nhìn nhiều hơn về khả năng VN Index sẽ xuống 500 điểm.

Nói cách khác, khi VN Index về 550 điểm, khả năng giảm tiếp là cao hơn nhiều so với việc bật tăng trở lại. Nhìn ở góc độ cung-cầu, tâm lý bi quan khiến bên mua ra tay một cách e dè. Trong khi đó, những NĐT lớn, với lượng hàng có sẵn sẽ tính đến việc “đè hàng” để mua với giá rẻ hơn. Trong lúc hoảng loạn, chỉ cần một lượng không lớn CP, nhưng lại được tung ra ồ ạt tại một vài thời điểm với giá thấp sẽ khiến tâm lý NĐT bị dao động. Điều này sẽ khiến những NĐT đang ráng “gồng” để giữ CP chuyển sang trạng thái bán cắt lỗ. Sự mong manh có thể tăng lên cao hơn trong trường hợp NĐT sử dụng margin với tỷ lệ cao, nếu không kịp bán ra có thể thua lỗ rất nặng, thậm chí “cháy tài khoản” (mất trắng). Điều này lý giải vì sao VN Index từ 580 điểm xuống 550 điểm có thể dằng dai, thậm chí còn xuất hiện những đợt phục hồi để tạo ra hy vọng. Nhưng từ 550 điểm xuống 520 điểm lại rất nhanh. Sau phiên VN Index giảm gần 10 điểm xuống 543 điểm vào ngày 16-1, đã có những nhận định đưa ra về khả năng VN Index sẽ tạo đáy chỉ trong vài phiên nữa.

Giảm mạnh đi kèm phân hóa

Điểm giống nhau của giai đoạn hiện nay với hồi cuối tháng 8 là TTCK đang thiếu thông tin và có chiều hướng lấy TTCK nước ngoài làm tham chiếu. Phiên giao dịch cuối tuần rồi, chỉ số Dow Jones giảm đến 390 điểm xuống 15.988 điểm, thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, dầu thô xuống gần 29 USD/thùng. TTCK châu Á cũng có diễn biến tương tự khi chỉ số CSI 300 giảm hơn 100 điểm, tương đương 3,2%. Những thông tin này nhiều khả năng sẽ tác động đến tâm lý trên TTCK Việt Nam trong những phiên đầu tuần. Phiên giảm vào ngày 15-1 là phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2016 (mất 1,8% điểm số), nhưng cũng chưa thể gọi là một phiên hoảng loạn (trên 3% điểm số). GTGD hơn 1.800 tỷ đồng tại HOSE cũng không phải mức “khủng”. Tỷ lệ giảm tương đối nhưng thanh khoản chỉ ở mức trung bình (1.500-2.000 tỷ đồng) gợi ra 2 giả thiết: Thị trường vẫn chưa đến giai đoạn hoảng loạn và sẽ còn giảm tiếp; hoặc lượng CP giá rẻ đã cạn kiệt và cũng không còn hàng để cung ứng ra thị trường. 

Quan sát thị trường những phiên vừa qua sẽ thấy sự phân hóa rõ rệt. Vẫn có những blue chip và cả mid cap lẫn penny đi ngược dòng thị trường, lực bán ra chủ yếu xuất phát từ một số blue chip. Đúng là giá của nhiều CP hiện nay đã ở mức khá hấp dẫn, nhưng trong một xu hướng giảm, giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn. Hơn nữa, nếu tài khoản của NĐT vẫn còn tích lũy cả dòng tiền margin thì chỉ cần giảm chạm ngưỡng giải chấp là buộc phải bán ra. Bên cạnh đó, việc khối ngoại vẫn đang “xả hàng” (10 phiên bán ròng liên tiếp từ đầu năm 2016) sẽ khiến blue chip mất giá và tác động tiêu cực đến VN Index. Về mặt điểm số, nhiều khả năng VN Index sẽ giảm sâu hơn trong 2 phiên đầu tuần. Thậm chí, màu đỏ giảm giá có thể lan rộng trên bảng điện, nhưng sẽ có sự phân hóa rõ nét thay vì hoảng loạn.

Cần nói rõ, hiện tại chỉ cần vài CP trong nhóm trụ cột mất giá là VN Index có thể giảm 1-2%. Trong khi giá của một loạt CP hiện tại đã ngang bằng với giá hồi tháng 8-2015, trong khi mùa BCTC quý IV-2015 đã gần tới, mức định giá, kỳ vọng sẽ cao hơn, nghĩa là giá CP đang trở nên rẻ hơn. Trong những phiên gần đây, một số CP cũng đã giảm mạnh, giảm trước cả đà giảm chung của thị trường, nên nếu có giảm tiếp mức độ cũng không đáng kể. Kịch bản thị trường có thể đỏ hàng loạt trong phiên, nhưng mức độ giảm giá của từng CP khác nhau nhiều khả năng xuất hiện. Thậm chí, cơ hội có thể vẫn còn với một số mid cap có nền tảng cơ bản tốt, khi nhóm này vẫn đang có diễn biến “giảm cho có” (giảm nhẹ) và “tranh thủ tăng” (tăng rất mạnh khi thị trường phục hồi).

Trong một chừng mực nào đó, NĐT thích thị trường giảm mạnh và hồi mạnh hơn là giảm từ từ nhưng khó xác định đáy và cũng chưa biết khi nào phục hồi, vì sẽ gây ra rất nhiều rủi ro cũng như căng thẳng về mặt tâm lý.

Các tin khác