Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có công văn gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức tín dụng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức căng thẳng và phức tạp.
Đây là lần thứ 4 liên tiếp Hiệp hội Ngân hàng gửi văn bản đề xuất giảm phí nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.
Cần có biện pháp chấn chỉnh tin nhắn lừa đảo
- Xin ông cho biết, những nội dung chính trong công văn được Hiệp hội gửi đi lần này là gì?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Nội dung công văn tập trung vào 2 vấn đề chính sau:
Thứ nhất, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức tín dụng do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Thứ hai, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông làm việc với các tổ chức tín dụng thông qua Hiệp hội Ngân hàng để giải thích rõ việc tính cước phí tin nhắn đối với khách hàng cá nhân và tổ chức. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng để ngăn chặn không cho đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn thương hiệu của các tổ chức tín dụng qua nhà mạng.
Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang phản ảnh nhiều về việc các nhà mạng thu phí cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng với các mức khác nhau mà không giải thích rõ việc tính cước phí như thế nào, chỉ nêu lý do vì dịch vụ ngân hàng mang tính bảo mật. Tuy nhiên, thực tế xuất hiện nhiều tình trạng lừa đảo qua tin nhắn gửi từ nhà mạng song nhà mạng không chịu trách nhiệm, không giải thích rõ tại sao có thể lợi dụng để lừa đảo? Điều này đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các tổ chức tín dụng.
Hiệp hội Ngân hàng cho rằng việc này làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của hội. Trước mắt, chúng tôi gửi văn bản tới cơ quan quản lý sau đó sẽ gửi các cơ quan chức năng để xem xét một cách khách quan.
Mặt khác, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra tới 4 đợt, các tổ chức tín dụng đã phải giảm chi phí, lương, thưởng, sẵn sàng hy sinh cả lợi nhuận để thực hiện giảm lãi vay, giảm các loại phí... nhằm hỗ trợ khách hàng. Trong khi đó, các nhà mạng vẫn không quan tâm tới đề nghị của các tổ chức tín dụng.
Hy vọng lần thứ 4 gửi công văn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 63/NQ-CP, giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức tín dụng đồng thời làm việc với Hiệp hội Ngân hàng để giải thích rõ việc tính cước phí đối với các tổ chức tín dụng.
Giá cước quá cao?
- Mức giá cước tin nhắn hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động ngân hàng và mức độ chia sẻ của các ngân hàng đối với công tác chung tay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Cước tin nhắn hiện nay các tổ chức tín dụng phải thanh toán cho nhà mạng là rất lớn. Tính sơ bộ, một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15-20 triệu tin nhắn, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50-80 triệu tin.
Hiện tại, số lượng các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngoài cũng có đến cả trăm tổ chức.
Mức giá cước các nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng là: Đối với doanh nghiệp, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/1 tin nhắn, Viettel thu 785 đồng/1 tin nhắn; đối với cá nhân, Viettel thu 100-300 đồng/tin nhắn, VinaPhone thu 99-350 đồng/tin nhắn, MobiFone thu 200-350 đồng/tin nhắn.
Có thể thấy, hàng tháng các tổ chức tín dụng đang phải thanh toán cho các nhà mạng số tiền không hề nhỏ.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, ngành ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lương giảm thưởng để giảm lãi, giảm phí, cơ cấu nợ tạm chưa thu lãi... cho khách hàng.
Như vậy, với số lượng tổ chức tín dụng, số lượng dịch vụ tin nhắn và mức giá như trên, thì chi phí cho dịch vụ tin nhắn đang là quá lớn.
- Các doanh nghiệp viễn thông vừa công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông cho người dân vùng dịch, người khó khăn, thu nhập thấp lên tới gần 10.000 tỷ đồng cho khách hàng. Quan điểm của ông với gói hỗ trợ vừa được các doanh nghiệp viễn thông công bố như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Hy vọng gói hỗ trợ đó thật sự đến với tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không chỉ khách hàng cá nhân mà cả khách hàng doanh nghiệp, trong đó có các tổ chức tín dụng - luôn là những khách hàng lớn của doanh nghiệp viễn thông.
Cần khẳng định, hiện nay ngành ngân hàng đang phải căng mình chống dịch đồng thời phải hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân ảnh hưởng bởi dịch bằng việc giảm lãi vay, giảm các loại phí, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn chưa thu lãi...
Có thể trước mắt trên bảng cân đối kế toán thấy lãi nhiều nhưng cuối năm chắc chắn sẽ rất khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu rất cao, khi đó lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sẽ giảm mạnh do phải trích dự phòng rủi ro, loại dự thu các khoản cơ cấu nợ... Do vậy, các tổ chức tín dụng rất cần được Chính phủ, các ngành, các cấp chia sẻ hỗ trợ.
Còn đối các doanh nghiệp viễn thông, đây đều là các doanh nghiệp lớn,vì vậy nên có sự chia sẻ với cộng đồng và xã hội ở mức tương xứng. Việc tính phí của các nhà mạng cũng vậy, cần được thông tin minh bạch và phù hợp với chi phí bỏ ra. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với các nhà mạng để làm rõ căn cứ việc tính giá cước tin nhắn đối với các tổ chức tín dụng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!