Khi áp dụng các biện pháp giãn cách, phong tỏa, dù là cục bộ ở vài địa phương nhỏ hay toàn tỉnh, thành phố, hay toàn vùng, thì những tác động bất cập là không hề nhỏ. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận sâu sát với đời sống người dân, chính sách được thiết kế phải chia sẻ được với khó khăn và áp lực của người dân thông qua sự thấu hiểu. Các quy định được áp dụng phải rõ ràng, dễ hiểu để người dân dễ chấp hành mà không phải nơm nớp lo.
Đã có không ít những trường hợp xử lý vi phạm gây khó hiểu, bức xúc vừa qua khi nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16, điển hình là ở TPHCM, Long An, Nha Trang…
Từ việc một người dân sống tại quận 12 đi mua thực phẩm thiết yếu tại huyện Hóc Môn cách một cây cầu. Khi qua chốt không ai hỏi nhưng khi về lại bị chặn và yêu cầu quay đầu, dù đã trình CCCD để chứng minh nhà mình ở quận 12.
Đến câu chuyện hai bạn trẻ Long An đưa mèo đi khám. Theo quy định của địa phương đang giãn cách thì việc đưa chó, mèo ra khu vực công cộng là không được phép. Tuy nhiên, chuyện sẽ không đáng nói nếu cán bộ chốt kiểm dịch biết xử lý phù hợp, lời nói thiếu lịch sự đã làm dấy lên nhiều sự tranh cãi. Đó là chưa kể hành vi tự ý đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội cá nhân là trái với pháp luật.
Một công nhân ở TP Nha Trang mới đây đi mua bánh mì và nước uống nhưng lại bị cán bộ phường chặn lại, với lý do “bánh mì không phải lương thực, thực phẩm” hay nhu cầu thiết yếu, mà chỉ là “thức ăn”?!
Và đáng buồn là hành vi tự ý quay clip đăng lên mạng lại diễn ra. Từ bao giờ giữa cán bộ với người dân lại trở nên dè chừng và phòng vệ đến nỗi phải quay clip để giữ bằng chứng như thế?
Nhưng điều quan trọng ở đây là công tác, tập huấn, đào tạo cán bộ kiểm dịch như thế nào cho phù hợp trong bối cảnh nhạy cảm, để không tạo ra một “tầng lớp” ảo tưởng và lạm dụng quyền lực tạm thời do các lệnh giãn cách. Những hành động kém thân thiện của cán bộ chốt kiểm dịch chỉ càng làm “rỉ máu” những “vết thương” kinh tế - xã hội mà cộng đồng đang phải gánh chịu, và khiến những câu khẩu hiệu chống dịch “tự cảm thấy xấu hổ”.
Cùng với đó, theo chia sẻ của nhiều bác sĩ điều trị cho F0 trong làn sóng Covid-19, một trong những điều khiến họ căng thẳng nhất trong cuộc chiến này không phải là chữa bệnh, mà là ổn định tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài áp lực phải hoàn thành mục tiêu chuyên môn, bác sĩ còn bị đè nặng tâm lý bởi bất đắc dĩ trở thành những “nhân viên chăm sóc khách hàng” tại khu cách ly.
Kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản, Mozambique, Singapore, Hàn Quốc,… đã hỗ trợ và bảo vệ nhân viên y tế bằng cách tổ chức lại các ca trực tại các cơ sở y tế, nhằm cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tăng tiền thưởng, phụ cấp làm thêm giờ, xác định Covid-19 là bệnh nghề nghiệp để họ được hưởng bảo hiểm hoặc chế độ phù hợp… Đây là những chính sách mà Việt Nam nên xem xét, tham khảo.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng không nên chỉ dành để thiết kế các chính sách chống dịch, mà cần tranh thủ lên các kế hoạch hồi phục và phát triển kinh tế dài hạn. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đang dần mở cửa trở lại, do đó không thể chờ đợi sau dịch mới bàn. Ngay lúc này, cần thúc đẩy các chiến lược hỗ trợ sản xuất, kinh doanh khả thi, hướng đến nền kinh tế tương lai như chuyển đổi số, công nghiệp xanh, đô thị thông minh...
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV vừa khai mạc, những tầm nhìn lớn về tương lai nền kinh tế nên được xem xét, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Có một thực tế là tình hình căng thẳng hiện nay đã được nhiều chuyên gia dự báo và hiến kế từ lâu. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm, lắng nghe nhiều hơn đến sự tham vấn của giới chuyên môn, không ngần ngại “cách mạng hóa” tư duy kinh tế để không bỏ lỡ các cơ hội trong bối cảnh toàn cầu mới sau đại dịch.