Gian nan đưa con chữ miền biên viễn

(ĐTTCO) - Bên trong thảo nguyên Trọng Hóa (huyện rẻo cao Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), là nơi định cư của đồng bào Khùa, Mày. Vùng đất của 17 bản làng đã sinh ra 8 thầy cô giáo người bản địa dạy chữ quốc ngữ.

Gian nan đưa con chữ miền biên viễn

Họ vượt lên bao nghịch cảnh khó khăn, lội từng ngọn suối sâu, trèo từng ngọn núi cao nhằm đưa chữ về cho con em dân bản.

Những mùa song ngữ bên bờ lau

Mùa cuối năm, ông Hồ Phin, Chủ tịch xã Trọng Hóa gọi điện thông báo, xã nhà đã có 8 thầy cô giáo đồng bào Khùa dạy cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn. Các thầy cô trước đây học cử tuyển, nhưng là tấm gương sáng để con em đồng bào Khùa, Mày noi theo học tập, vươn lên trước những trở ngại khó khăn.

Giữa mây trắng sương Giăng một buổi sớm mùa đông, chúng tôi gặp thầy Hồ Văn Tha (43 tuổi), người Khùa đầu tiên dạy tin học cấp 2. Thầy Tha kể: “Tôi nhận lớp từ năm 2008, tin học năm đó không có phòng máy, chỉ soạn giáo án trên giấy. Trường lớp lúc đó có mái lá cọ sân đất.

Thầy muốn trò hiểu phải viết trên bảng tiếng Việt và tiếng Khùa, gọi là song ngữ. Phòng học xung quanh trống trải, mùa cuối năm rừng lau nở rộ, thầy trò cứ thế học. Nhiều khi khó quá, đắp cái đất sét thành hình máy tính làm công cụ dạy học cho trực quan”. Và cái khó ấy đến hôm nay đã vượt qua, trường Tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa của thầy Tha đã có phòng máy, có cả sóng wifi lướt web.

Ấn tượng nhất là câu chuyện dạy Sử của thầy giáo Hồ Văn Xôm (42 tuổi). Vào nghề đã 10 năm, thầy Xôm luôn là mẫu mực cho học trò. Năm nào thầy cũng nhận bằng khen của Chủ tịch UBND huyện.

thay-giao-khua-6-5463.jpg
thay-giao-khua-5-9091.jpg
thay-giao-khua-4-148.jpg

Bài giảng đầu tiên về môn Sử, thầy nói cho con em dân bản biết dân tộc Việt Nam có lịch sử từ đâu, kiên cường như thế nào, cũng như nghiên cứu đồng bào Khùa, Mày vì sao mang họ Bác Hồ, vì sao sống vùng đất biên viễn này. Một trong những tiết học được học trò hào hứng là khi giảng về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, giảng về biển Đông thầy vẽ một mạch sơ đồ không thiếu quần đảo nào.

Về nhà làm nương, thầy trồng rau theo mô hình bản đồ nước Việt với 2 quần đảo rõ ràng trên biển Đông. Gần thu hoạch thầy kêu học trò đến xem cho trực quan. Vậy nhưng, năm nay học trò từ các xã Dộ, Tà Vờng, Lòm, Si, Cha Cáp lại rất buồn khi không gặp lại thầy Xôm.

Một căn bệnh quái ác làm não của thầy bị teo dần, đi nhiều bệnh viện đều trả về, đôi mắt sáng ngày nào cũng mù hẳn. Cậu bé Hồ Tháo, lớp 9 nói: “Trước đây môn sử khó học, thầy cứ nặn đất sét làm mô hình, giảng tiếng Khùa, tiếng Việt mà con biết những anh hùng như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Lê Lợi… Nay thầy không còn giảng. Vắng thầy thật khó quên”.

Tìm trò giữa rừng xanh

Theo ông Hồ Phin, trong 8 thầy cô giáo người Khùa đứng lớp, người có thâm niên lớn nhất là thầy Hồ Văn Nôn (50 tuổi). Trưởng thành từ Trung cấp Tiểu học sư phạm, sau đó phấn đấu học lên đại học, năm 2005 thầy Nôn về dạy tiểu học trên địa bàn xã Trọng Hóa. Đến nay đã có 17 năm trong nghề giáo viên.

“Thầy đã đặt chân đến 17 bản làng của xã, dạy những nơi xa nhất, hẻo lánh nhất. Quê nhà của thầy ở bản Ka Rét, một bản cũng xa xôi cách trở. Nay thầy được phân công dạy ở bản Dộ. Từ nhà vào dạy ở khu vực đó hơn 20km đường rừng” - ông Hồ Phin cho hay.

thay-giao-khua-1-3337.jpg

Lớp học bên ngọn đồi cao Mơ Leng, thầy Hồ Văn Nôn tâm sự: “Lúc mới vào nghề, khổ nhất là đi tìm học trò. Một lớp có 15-20 em đã bỏ học 90%. Phải lội bộ đi tìm trò. Nhà từng trò nằm cách nhau vài quả đồi, đi tìm từ sáng đến chiều tối mới ra vì chúng lên nương theo bố mẹ hết.

Ở lại động viên cả gia đình trò bên bếp lửa đến sáng dẫn chúng tới trường. Chiều về hôm sau đi động viên tiếp. Có trò cứ trốn học mãi, hỏi ra trò nói bận lắm nhưng không giải thích bận việc gì. Đến lúc thầy trò xóa bỏ ranh giới ngôn ngữ, nói bằng tiếng Khùa, trò mới trả lời ngại đi học. Đả thông thật nhiều mới tiếp tục đến lớp”.

Thầy giáo Trần Trọng Lam, Hiệu phó Trường Tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa cho biết: “Thầy Nôn không quản ngại khó khăn vận động học trò đi học. Thầy trưởng thành ở đây, lớn lên với con suối Hong Pà Ai, suối Tô Cô, dốc Cha Cáp, núi Si… nên rành đường sá để vận động học trò. Rồi từ đó 7 thầy cô giáo người bản địa nơi đây cũng theo đó giúp đỡ những thầy cô giáo miền xuôi lên cắm bản đi vận động học sinh bằng tiếng Khùa, tiếng Mày cho con em không thất học”.

Ông Hồ Thơm bản Dộ nói: “Trước đây mình 10 tuổi mới đi học và từng học với thầy Nôm, nay con mình học đúng tuổi, lại học với thầy nên mừng lắm. Với thầy, dân bản rất mến vì nhiều gia đình, thầy dạy từ mẹ cha, nay thầy dạy con của họ, ra đường cả cha con đều lễ phép với thầy”.

Cô giáo dạy Anh văn đầu tiên của người Khùa, Hồ Thị Lan thuộc trường Tiểu học THCS số 1 Trọng Hóa kể: “Trong 12 lứa học sinh học Anh văn mà em dạy, có nhiều học sinh nay đã giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh là rất mừng. Mừng hơn khi có em Hồ Tuấn được đi dự thi hùng biện bằng tiếng Anh cấp huyện. Đó là dấu mốc với con em đồng bào tự tin giữa sân khấu. Em tin chắc rằng, sau này Hồ Tuấn ra đời sẽ thành công với môn Anh văn”.

Theo ông Hồ Phin, xã Trọng Hóa ngoài mầm non ra còn có trường Tiểu học và THCS số 1 và số 2 Trọng Hóa. Từ hình ảnh 8 thầy cô giáo bản địa vượt khó ấy mà hiện không còn học sinh bỏ học, cố gắng học hết cấp 3, một số vào Trung cấp, đại học nhằm xin việc tại các công ty ở miền Nam hoặc miền Bắc.

Năm nay có 6 em xuất khẩu lao động sang Nhật trồng rau sạch và ngành xây dựng, có 1 em đi xuất khẩu lao động Đài Loan. Đó là những hạt giống để sau này các em về quê hương, phát triển kinh tế cho các thế hệ sau noi theo nhằm thoát nghèo.

Các thầy cô giáo bản địa kể: “Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 miền biên viễn, học trò đến thăm là kết hoa dại bên mé rừng tặng tri ân. Có lớp góp lại mấy lon nếp nương tặng các thầy cô như một niềm tự hào hiếm có”.

Các tin khác