Màu xám lúc này quả là một từ hoàn hảo để mô tả cho cả không gian lẫn thời gian của vũ trụ. Mùa đông lạnh lẽo, gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng đang bao trùm lên cả đất trời lẫn nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí tiếng chuông “Jingle bells” réo rắt và ánh sáng lấp lánh của những chùm đèn trang trí, những trái châu nhiều màu sắc trên những cây thông Nô-en cũng không xua tan được bầu không khí ảm đạm hiện nay.
Việt Nam vốn không phải là một quốc gia Công giáo, nhưng lễ Giáng sinh từ lâu đã được xem là thời điểm khởi đầu mùa lễ hội lớn nhất năm, kéo dài cho đến Tết âm lịch.
Đặc trưng là người ta bắt đầu chi tiêu thoải mái hơn, tự thưởng cho bản thân một cái gì đó sau một năm làm việc cực nhọc, trang hoàng nhà cửa, lên kế hoạch đi du lịch hoặc mua sắm cho cả gia đình. Cho nên mức độ náo nhiệt của lễ Giáng sinh đóng một vai trò quan trọng như một thước đo các hoạt động kinh tế của quý cuối năm, kỳ vọng về một sự gia tăng mạnh của tổng cầu sẽ kéo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô lên rất mạnh.
Thế nhưng Covid-19 đã tạo ra một không khí Giáng sinh buồn tẻ. Đường sá những khu phố trung tâm không đông đúc và được trang hoàng lộng lẫy như mọi năm. Một vài cửa hàng, quán sá trang trí một cách chiếu lệ, như thể một loại nghĩa vụ đến hẹn lại lên, phải có cái gì đó cho ra vẻ Giáng sinh. Suốt những dãy phố dài trên những con đường mua sắm nổi tiếng rải rác những căn nhà treo bảng cho thuê mặt bằng hoặc cần sang tiệm.
4 trường hợp lây nhiễm cộng đồng tại TPHCM ngay thời điểm đầu tháng 12 đã cuốn trôi chút hy vọng và niềm vui mùa lễ hội cuối năm còn sót lại. Nhiều dự định kinh doanh, đầu tư cho đến du lịch, nghỉ ngơi và thăm viếng đều bị hoãn lại. Du lịch, ngành công nghiệp vốn hốt bạc nhiều nhất trong dịp lễ tết một lần nữa bị giáng một đòn đau. Tâm lý thất vọng và ngao ngán sự bất định của Covid-19 của mọi người đã bị thử thách quá nhiều lần.
“Năm nay coi như bỏ!” là câu cửa miệng và tâm lý đám đông phổ biến hiện nay. Nhưng nói như vậy có nghĩa là những hy vọng đặt vào tiêu dùng nội địa, tăng trưởng tổng cầu cuối năm của nền kinh tế cũng không còn. Covid-19 đã tạo ra một cú sốc bất định chưa từng có trong lịch sử kinh tế học. Không có điều gì là chắc chắn trong bối cảnh Covid-19 nên nó khiến cho người ta hoảng sợ và chọn cách ngồi im, các quyết định ở phía cầu hay cung đều bị hoãn lại và chờ đợi đại dịch qua đi và cầu mong vaccine xuất hiện như một loại phép màu.
Nhưng kinh tế học không có chính sách nào gọi là “phép màu”. Tất cả những giải pháp mà cộng đồng kinh tế có trong tay cho đến lúc này đều xoay quanh các chính sách kích cầu. Nhưng “không có chính sách kích cầu nào chống được sự sợ hãi” là một câu nổi tiếng.
Có lẽ món quà Giáng sinh ý nghĩa nhất lúc này ở các nước chính là các quyết định công nhận vaccine và tuyên bố chính thức về tiêm chủng cộng đồng để ngăn ngừa Covid-19. Khi đó, sự sợ hãi sẽ bị xua tan và các hoạt động sẽ quay trở lại trạng thái bình thường.
Nhưng nỗi buồn của ngày lễ Giáng sinh ở Việt Nam lại chứa đựng ít nhiều trong đó những hy vọng của sự đổi thay và mới mẻ của năm mới 2021. Mặc dù bản đồ kinh tế toàn cầu vẫn nhuộm trong sắc đỏ của tăng trưởng âm, hiếm hoi một vài đốm xanh lóe lên của các quốc gia vẫn giữ được kỳ vọng tăng trưởng dương thì trong đó có Việt Nam.
Năm nay, bằng thành quả chống dịch tuyệt vời và các gói kích thích kinh tế hữu hiệu, chúng ta vẫn giữ được kỳ vọng tăng trưởng gần 3%, tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong giai đoạn hơn bốn mươi năm trở lại đây nhưng là thành quả kinh tế hiếm hoi của thế giới lúc này. Điều này, bản thân nó đã là một món quà tuyệt vời cho nền kinh tế trong năm 2021, tiền đề tuyệt vời cho sự thành công của các chủ trương và chính sách trong thời kỳ mới.
“Ví không có cảnh đông tàn, thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Khi mùa đông chấm dứt, trước thềm năm mới 2021, đất nước sẽ bước vào những sự kiện chính trị quan trọng, mở ra một thời kỳ mới, vận hội mới cho cả đất nước, ví như ánh nắng vàng của một tương lai tươi sáng.