Theo ghi nhận, nhiều tuyến phố của Hà Nội đã được trả lại không gian thông thoáng cho người đi bộ, bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đáng chú ý là ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh đã được nâng lên rõ rệt, nhờ đó mà nhiều tuyến phố như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai hay Hàng Cót…vỉa hè đã cơ bản gọn gàng, tiểu thương và người dân đều bày tỏ sự sự đồng thuận và phấn khởi về chủ trương này:
"Vỉa hè đã kẻ vạch rồi, chúng tôi phải trả lại đường kẻ vạch cho người đi bộ, kể cả khách ngồi tôi cũng không đồng ý cho ngồi ra khỏi vạch đó. Bởi có những người khuyết tật người ta đi xe lăn, vỉa hè phải có đủ rộng để xe lăn qua được, chúng tôi chấp hành nghiêm nên phường chả mấy khi thắc mắc về mình."
"Lập lại vỉa hè là rất tốt, vỉa hè gọn gàng hơn nhiều, có chỗ đi lại và người ta cũng vẫn bán hàng được".
Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố cổ như phố Tô Tịch, Hàng Khoai, Hàng Giấy… vỉa hè vốn đã hẹp chưa đầy 1m nhưng xe cộ, hàng quán vẫn bày tràn lan, chiếm trọn vỉa hè và 1 phần lòng đường. Thậm chí xe ôtô còn án ngữ ngay trên vỉa hè, buộc người dân và du khách phải đi xuống lòng đường.
Ông Nguyễn Xuân Dần ở phố Hàng Khoai bức xúc nói: "Tôi thấy công an đến thì người ta dọn vào, công an đi khỏi một lúc người ta lại dọn ra, đâu nó lại vào đấy, nói chung là hơi khó. Do thời gian qua chúng ta thả lỏng nên giờ uốn nắn lại rất là khó, phải nghiêm từ trên trở xuống, chứ há miệng mắc quai thì khó lắm."
Phố Hàng Buồm, xe cộ hàng hóa cũng chiếm trọn vỉa hè, du khách và người dân phải đi dưới lòng đường
Tình trạng đối phó và tái vi phạm khi lực lượng chức năng dời đi là một thực tế khiến cho công tác lập lại trật tự vỉa hè gặp khó thời gian qua. Bởi hiện nay lực lượng thực thi khá mỏng, trong khi ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh trên địa bàn chưa thực sự nghiêm túc; việc ký cam kết của họ cũng còn mang tính chất đối phó.
Trung tá Phạm Hồng Việt, cán bộ cảnh sát trật tự, Công an phường Hàng Đào, Hoàn Kiếm cho biết, trong 1 tuần cao điểm tổ cảnh sát trật tự đã tuần tra, xử lý vi phạm đối với hơn 40 trường hợp, trong đó có gần 20 trường hợp vi phạm về lấn chiếm vỉa hè.
"Trên địa bàn dọc tuyến Hàng Ngang, Hàng Đào xuất hiện các vi phạm như tay quay đua ra khoảng 30-40cm để người ta treo mắc áo, khi họ thấy lực lượng đến họ lại quay vào nên rất khó khăn trong việc xử lý. Hay những múi giờ ăn trưa, đón trẻ con đi học về, anh em cũng phải linh hoạt, bởi giờ đó mà xử lý xe pháo thì ảnh hưởng đến việc đưa đón con trẻ của nhiều gia đình", Trung tá Phạm Hồng Việt nói.
Theo Trung tá Dương Bảo Thạch, Phó Đôi trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ có đặc thù là diện tích nhỏ hẹp, gắn liền với văn hóa vỉa hè, đa số người dân mưu sinh bằng việc buôn bán ở hè phố. Vì thế việc xóa trắng vỉa hè phố cổ rất khó khả thi:
"Công an quận Hoàn Kiếm đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo rất nhiều kế hoạch chỉnh trang lại đô thị cho đỡ nhếch nhác, còn để cắm chốt trực tiếp để giải quyết trắng vỉa hè là rất khó. Nó đang là bài toán khó cho các lực lượng.
Phố Hàng Mã, hàng hóa không chỉ được bày bán tràn lan ra vỉa vè mà còn vô cùng nhếch nhác, khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường
Hiện Công an quận Hoàn Kiếm đang tham mưu để làm sao đưa ra biện pháp tốt nhất đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và cũng là nét đẹp, ý thức tự giác, có thể người dân lấn chiếm một chút hoặc bày biện sao cho gọn gàng".
Cũng theo Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm trong khoảng thời gian từ 15/3 đến 26/3 đơn vị đã xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị và gần 200 trường hợp vi phạm về về trật tự an toàn giao thông.
Công cuộc giành lại vỉa hè cho người đi bộ không phải một sớm một chiều và tùy cũng vào đặc thù từng khu vực để có những cách làm phù hợp, đặc biệt là khu vực phố cổ làm sao vừa bảo tồn được nét văn hóa hàng nghìn năm vừa đảm bảo bộ mặt đô thị không còn nhếch nhác và vấn đề an sinh xã hội cần được đặc biệt quan tâm.