Giáo dục đạo đức hướng đến những bài học từ đời sống

(ĐTTCO) - “Đừng nôn nóng kiến thức nhưng non đạo đức” - đó là nhận định của TS. Trần Nguyên Lập, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang sau khi chứng kiến vụ việc học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang gây xôn xao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lan tỏa thông điệp biết ơn thầy cô

Trong bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo”, bài học đầu tiên Đạo đức lớp 1 là “Yêu thương gia đình”, còn chủ đề thứ 4 trong Đạo đức lớp 2 là “Kính trọng thầy giáo, cô giáo và yêu quý bạn bè”. Trong thực tế, bên cạnh sách giáo khoa những thông điệp về sự biết ơn, kính trọng, lòng yêu thương cũng được lan tỏa qua nhiều kênh khác nhau.

Như giải chạy Kun Marathon, giải chạy lớn nhất dành cho thiếu nhi hiện nay, trong suốt thời gian diễn ra giải, những bài hát, thông điệp về yêu thương, biết ơn thầy cô, gia đình và bảo vệ gia đình liên tục được đề cập. Nghĩa là giáo dục đạo đức vẫn được xem trọng từ nhà trường đến xã hội, nhưng tại sao vẫn xảy ra một số sự việc đáng tiếc trong giáo dục.

Sự phát triển của công nghệ và internet buộc giáo viên và phụ huynh phải thay đổi trong cách đào tạo, giáo dục. Nói riêng trong môn đạo đức, đã đến lúc chúng ta phải có cách nhìn nhận thực sự nghiêm túc, tránh những suy nghĩ theo kiểu “môn phụ” hoặc đặt kiến thức lên trước. Hổng kiến thức có thể lấp đầy từ từ và có nhiều cách, nhưng hổng về đạo đức đưa đến hệ lụy rất nghiêm trọng và để lại ảnh hưởng nghiêm trọng trong dài hạn.

sach-1-3506.jpg

Những bài học đạo đức tại trường học sẽ có tác dụng cảnh tỉnh học sinh với những cái xấu, tránh những suy nghĩ tiêu cực, nhưng để phát huy hiệu quả giáo viên không thể truyền đạt và bắt học sinh tiếp nhận một cách thụ động” - TS. Trần Nguyên Lập nhấn mạnh.

Hiện nay, các thuật toán trên các mạng xã hội sẽ có xu hướng “bám sát thị hiếu” của người xem, nghĩa là nếu học sinh sử dụng thiết bị thông minh theo dõi những nội dung không phù hợp, dẫn đến khả năng những nội dung đó sẽ lại xuất hiện và có thể “triệt” luôn khả năng những nội dung tích cực xuất hiện. Do đó, mỗi tuần thời lượng 1-2 tiết đạo đức hay giáo dục công dân truyền tải những thông điệp tích cực không thể so với thời lượng sử dụng thiết bị thông minh của học sinh.

“Trước tiên, giữa giáo viên và học sinh cần có sự đối thoại, và điều này cần được thực hành kể cả từ những lớp nhỏ nhất. Học sinh hiện nay thường đặt câu hỏi “học môn này để làm gì?” hay “học môn này có cần thiết hay không?”, đây là thách thức buộc người dạy phải chủ động hơn, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta có giải pháp đúng đắn, giúp suy nghĩ học sinh được thông suốt và dễ tiếp thu các kiến thức, bài học tích cực” - TS. Trần Nguyên Lập nhấn mạnh.

Thời điểm còn giữ trọng trách đứng đầu ngành giáo dục TP Nha Trang, TS. Trần Nguyên Lập ghi dấu ấn với những hoạt động thúc đẩy đối thoại theo hướng gắn kết gia đình - nhà trường - xã hội. Bất kỳ người dân nào đến Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Nha Trang bày tỏ nguyện vọng được gặp lãnh đạo đều được tạo điều kiện tối đa, ông Lập cho biết bản thân phải làm gương trong việc lắng nghe và đối thoại.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng thường xuyên đến các trường học trên địa bàn để trực tiếp lắng nghe ý kiến của giáo viên. “Muốn dạy trẻ đối thoại, trước tiên giáo viên phải hiểu được tầm quan trọng của việc đối thoại. Có một số giáo viên, dạy tốt, thương yêu học sinh, nhưng đôi khi không có nhiều hoạt động đối thoại giữa thầy trò, nên bỏ lỡ cơ hội hướng dẫn các cháu một kỹ năng quan trọng” - TS. Trần Nguyên Lập phân tích.

Kết nối những bài học bổ ích và thực tế

Từ chỗ biết đối thoại, học sinh sẽ sẵn sàng đặt câu hỏi với những bài học đạo đức tại lớp học, từ đó nhớ lâu hơn, và dần xây dựng cho mình những “bộ lọc” với những hiện tượng tiêu cực, đồng thời hình thành thêm cả kỹ năng, tư duy phản biện, những kỹ năng cũng được xem như “thời thượng” trong thời đại hiện nay.

Khi mỗi tuần chỉ 1 tiết học đạo đức hay giáo dục công dân liệu có quá ít hay không, TS. Trần Nguyên Lập khẳng định, không nên lấy số lượng tiết học “hữu cơ” ra để bàn vì sự học là suốt đời, và cũng có nhiều cách thức để giáo dục đạo đức chứ không nhất thiết chỉ trong phạm vi môn đạo đức. Chẳng hạn, trong môn Tiếng Việt hay Ngữ Văn kể cả các môn khoa học đều có những câu chuyện, bài học cuộc sống về dạy làm người tốt, cũng liên quan tới yếu tố đạo đức.

Chỉ cần người dạy chủ động “nhấn” hoặc kết nối thêm các câu chuyện với các phẩm chất đạo đức, khi đó học sinh có thể thu về cho mình nhiều bài học bổ ích và thực tế. Mặt khác, từ những câu chuyện thực tế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội, người giáo viên hoàn toàn có thể phân tích, giảng giải các yếu tố đạo đức có liên quan để học sinh có được bài học.

Nhìn lại một quãng đời học sinh, ắt hẳn nhiều người còn nhớ rất rõ nhiều bài học cuộc sống được kể bởi các thầy cô, và có thể theo suốt ký ức của một đời.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Bình Tân (TPHCM), cho rằng phải có sự nhất quán xuyên suốt trong cả nhà trường, từ ban giám hiệu, giáo viên, đến các học sinh.

“Khi nhà trường đề cao kỷ luật, cũng cần giải thích để cả học sinh và phụ huynh hiểu rằng, kỷ luật sẽ xây dựng nền tảng đạo đức tốt cho học sinh, cho con em mình. Tại trường, các em được học, được hiểu về tôn ti trật tự, đồng thời cũng sẽ biết hiếu kính gia đình, tôn trọng và biết ơn cha mẹ của mình hơn” - ông Ngô Văn Tuyên chia sẻ.

Thời gian gần đây, học liệu mở, các khóa học trực tuyến liên tục xuất hiện và được cho là “đe dọa” đến vai trò của người thầy. Nhưng cần biết rằng, việc học không đơn thuần chỉ là đưa ra kiến thức mà trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng luôn có nghề nghiệp.

Vì vậy, những suy nghĩ theo hướng cực đoan về vai trò của người thầy, người giáo viên cần được thận trọng thay vì chỉ khẳng định hoặc phủ định theo hướng tuyệt đối. Máy móc hay công nghệ không thể thay thế vai trò của người truyền đạt trong những bài học về đạo đức, đạo lý làm người.

Vai trò truyền đạt, chia sẻ kiến thức của người thầy đưa đò có thể được thực hiện bởi máy móc và công nghệ, nhưng vai trò dạy cách làm người thì không thể thay thế.

Các tin khác