Giao nhiệm vụ cho các sở công thương sau sáp nhập

(ĐTTCO) - Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 5061 yêu cầu các sở công thương các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, sau khi ổn định tổ chức, cần nhanh chóng tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.

Giao nhiệm vụ cho các sở công thương sau sáp nhập

Thực hiện Nghị quyết số 25 của Chính phủ và Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08, yêu cầu toàn ngành triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, đồng thời giao chỉ tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cho từng địa phương.

Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm, nhiều tỉnh, thành vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. Bên cạnh đó, từ ngày 1-7, địa giới hành chính mới của một số tỉnh chính thức có hiệu lực sau sáp nhập, kéo theo thay đổi mô hình chính quyền, bộ máy vận hành cũng như cơ cấu quản lý thương mại tại địa phương.

Trước bối cảnh như trên, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 5061 yêu cầu các sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi ổn định tổ chức, cần nhanh chóng tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.

Theo đó, các sở công thương được giao nhiệm vụ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh chuyển đổi sang nền tảng số, phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn về phương thức kinh doanh mới, đăng ký thuế, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh yêu cầu tăng cường truyền thông, quảng bá hàng hóa trong nước, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp làm ăn chân chính để củng cố lòng tin thị trường.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc rà soát các yếu tố tác động đến thị trường trong nước, chủ động tháo gỡ khó khăn, triển khai mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là ở các nhóm ngành đang có mức tiêu thụ chậm như: hàng may mặc, đồ gia dụng, phương tiện đi lại, dịch vụ ăn uống.

Thời gian này, các địa phương cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu giai đoạn cuối năm 2025 và Tết Nguyên đán 2026, chuẩn bị đầy đủ phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão, đảm bảo nguồn cung ổn định.

Đáng chú ý, nhiệm vụ xuyên suốt là theo dõi chặt chẽ cung-cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có biện pháp xử lý, chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền khi có biến động bất thường, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, trường hợp có vướng mắc, khó khăn trong thực hiện, các địa phương cần chủ động liên hệ để phối hợp tháo gỡ nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng thương mại trong nước năm 2025.

Các tin khác