Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thanh H. - đại diện Công ty CP trang thiết bị y tế T., đơn vị chuyên cung cấp vật tư y tế cho các bệnh viện dã chiến và các bệnh viện chữa Covid-19 trên địa bàn - cho biết ngay từ ngày 22-8, DN này đã lập danh sách nhân viên giao nhận để gửi đến Sở Y tế.
Tuy nhiên, Sở Y tế chỉ cấp 1 giấy đi đường cho 1 người, và thông báo giấy này sắp hết hiệu lực, phải đổi sang loại giấy do Công an TP cấp.
Do đó, bà H. đã trực tiếp đến Công an TP hỏi thủ tục nhưng được hướng dẫn về đăng ký tại quận huyện. Khi lên quận, bà H. được trả lời là chỉ cấp số lượng giấy rất hạn chế cho nhân viên giao hàng, không cấp cho kế toán, nhân viên xuất nhập khẩu.
Theo bà H., 6 nhân viên phải đi giao các loại vật tư y tế như ống thở, mặt nạ thở oxy, ống đặt nội khí quản... đến hầu hết các bệnh viện chữa Covid-19 nên rất cần giấy đi đường.
Để có thể giao hàng tạm thời, bà H. đành phải photo giấy đi đường do Sở Y tế cấp và mang theo các giấy tờ chứng minh giao hàng đến các bệnh viện, còn bà H. đang tiếp tục xin giấy cho kế toán, nhân viên xuất nhập khẩu.
"Các công ty vật tư y tế khác nhau có nhu cầu giao hàng khác nhau, nên đừng quy định số lượng giấy cấp 1-2 người cho mỗi công ty, mà để các DN chứng minh độ cấp thiết, quy mô giao hàng để cấp số lượng giấy đi đường tương ứng", bà H. nói.
Đại diện một DN cung ứng vật tư y tế khác cũng cho biết vẫn rất lúng túng khi xin giấy đi đường để cung ứng cho các nhà thuốc, các công ty cung cấp thuốc bởi theo thông báo, thẩm quyền cấp giấy lại không thuộc về Sở Y tế.
Các DN xuất nhập khẩu cũng phàn nàn rằng số lượng giấy đi đường hạn chế, mỗi DN chỉ được duyệt 1-2 giấy, nên DN đều gặp khó do khối lượng công việc lớn.
Chỉ có vài giấy khó chạy công việc
Ông Huỳnh Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty TNHH tiếp vận Khải Phong - cho biết từ chiều 22-8, DN này đã nộp hồ sơ xin giấy đi đường đến Sở Công thương, nhưng đến sáng 26-8 mới nhận được... 2 giấy đi đường.
Với đội ngũ vận hành DN trước đây có 22 người, nhưng nay chỉ có 2 người cáng đáng tất cả công việc nên cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, DN này cung cấp hàng hóa cho các nhà máy "3 tại chỗ", hàng về cả đường hàng không lẫn cảng biển, nếu giao trễ sẽ bị phạt hợp đồng.
Từ ngày 22-8 đến nay, do chưa có giấy đi đường, mỗi ngày DN phải chịu chi phí lưu kho hàng tồn tại hai nơi lên đến 30 - 40 triệu đồng, làm đội thêm chi phí.
"Tôi đã đóng tiền lưu kho đến mức tài khoản hết tiền, bây giờ phải đi chuyển tiền mặt vào tài khoản, ngặt một nỗi các ngân hàng gần nhà đã đóng cửa, muốn nộp phải ra hội sở nhưng tôi lại không có giấy đi đường nên cũng đang loay hoay" - ông Sơn nói và đề xuất cần áp dụng cấp giấy đi đường online bằng mã QR để các DN không cần đến trực tiếp nơi cấp lấy giấy.
Ngoài ra, cần phân bổ số lượng giấy đi đường tùy vào mức độ cấp thiết của từng DN.
Với các DN cung ứng hàng nội địa, việc cấp giấy đi đường cũng khá nhiêu khê khi số lượng cấp hạn chế, thậm chí vẫn chưa được cấp giấy cho các nhân viên.
Ông N.Đ.H. - tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM T., chuyên cung ứng nước uống cho hơn 800 đại lý ở TPHCM - cho biết đến chiều 26-8 vẫn chưa nhận được giấy đi đường.
"Chúng tôi đã gửi danh sách lên phòng kinh tế huyện, huyện chuyển sang cơ quan công an nhưng vẫn chưa được cấp giấy nên các nhân viên kế toán, hành chính không thể đi lại để làm thủ tục xuất hàng", ông H. ngán ngẩm.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường tại chốt trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM chiều 25-8 - Ảnh: T.T.D.
Một người phải giải quyết nhiều việc
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hiệp hội Bông sợi VN (VCOSA) cho hay đã có văn bản đề nghị các bộ ngành và UBND TPHCM tháo gỡ khó khăn trong cấp giấy đi đường. Trước đó, VCOSA cũng đề xuất Sở Công thương TP tháo gỡ vướng mắc liên quan đến những bất cập, không phù hợp thực tế trong việc cấp giấy đi đường.
Đơn cử như quy định chỉ những DN xuất trình được hồ sơ xuất nhập khẩu từ ngày 23-8 đến 6-9 mới được cấp giấy đi đường, trong khi DN chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất, nên có thể dẫn tới lệch khỏi thời gian giãn cách nêu trên.
Đến ngày 24-8, việc cấp giấy đi đường được giao về cho các quận huyện, hồ sơ của DN cũng được trả lại để nộp cho địa phương. Tuy vậy, DN vẫn không được hỗ trợ cấp giấy đi đường với nhiều lý do.
Chẳng hạn, với các DN ngành bông sợi, TPHCM đồng ý giao việc cấp giấy đi đường cho Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (HEPZA) làm đầu mối, nhưng DN cũng chỉ được cấp 1 giấy đi đường và chỉ sử dụng trên tuyến đường từ DN đến nơi giao dịch.
"Nếu mỗi DN chỉ được 1 nhân viên thôi sẽ không thể duy trì các hoạt động tối thiểu của DN, bởi 1 người không thể vừa giao dịch tài chính ngân hàng vừa làm logistics, thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, thực phẩm cho công nhân đảm bảo duy trì "3 tại chỗ".
Trong khi mỗi DN bông sợi có tới 2-3 nhà máy, đều làm theo chuỗi nên 1 người không đi nổi" - vị này nói. Đồng thời kiến nghị mỗi DN cần ít nhất 3 giấy đi đường cho 3 nhân viên phụ trách ở các mảng giao dịch khác nhau, không bao gồm lái xe.
Không chỉ giấy đi đường trong nội thành, nhiều DN vận chuyển hàng thiết yếu cũng gặp khó khăn do các quy định kiểm soát phòng chống dịch. Theo đánh giá của Bộ Công thương, nguồn cung ứng hàng hóa tại TPHCM đang cơ bản đáp ứng đầy đủ.
Tuy nhiên, dự báo trong 5-7 ngày tới, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng do lượng thực phẩm dự trữ giảm hoặc hết, trong khi ngoài các nhân viên thực hiện "3 tại chỗ", các hệ thống phân phối chỉ được cấp giấy đi đường cho 10% lao động siêu thị.
Cần sớm gỡ vướng cho DN
"Để việc lưu thông hàng hóa được xuyên suốt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động kinh doanh, không tạo ra các quy định mang tính chất 'hơi vô lý' với lý do phòng chống dịch.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng nên rút ngắn thời gian cấp QR (phân luồng xanh) cho DN và người dân, tự động gia hạn cho các phương tiện đã được cấp mã QR. Sở GTVT cần tham mưu UBND các địa phương các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa", ông Trần Duy Đông (Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương).