PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đâu là nguyên nhân nhà trường dồn sức bảo tồn, phát huy giá trị nền âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ?
PGS.TS PHẠM TIẾT KHÁNH: - Âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ có nhiều loại hình như dàn nhạc ngũ âm, dàn nhạc Mhôry, dàn nhạc cưới, múa trống Sa dam, hát À day, Chầm riêng Chà pây, đồng dao, hát ru… đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer Nam bộ bao đời nay.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và giao lưu ngày càng sâu rộng, sự tác động của các loại hình âm nhạc hiện đại khiến âm nhạc dân gian của người Khmer Nam bộ gặp nhiều khó khăn, một số loại hình đang có nguy cơ bị mai một, cần bảo tồn khẩn cấp.
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ chủ yếu là tự phát, lưu truyền theo phương thức truyền miệng gắn với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Các hình thức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, đào tạo còn nhiều hạn chế, bất cập.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến mong muốn các ngành chức năng có đánh giá lại những thành tựu, hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ một cách khách quan, khoa học. Lý giải thấu đáo nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, qua đó cần làm rõ hiệu quả của các hình thức bảo tồn, hình thức nào hiệu quả tiếp tục phát huy, hình thức nào chưa hiệu quả cần phải thay đổi, điều chỉnh.
Trường Đại học Trà Vinh nằm ở tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo giao thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ được chúng tôi rất quan tâm.
- Vậy thời gian qua nhà trường nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức một số hội thảo về âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, lãnh đạo các đoàn nghệ thuật, ngành văn hóa, các viện trường…
Tất cả đều lo lắng trước sự mai một của âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ, đã đưa ra nhiều giải pháp để kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét. Từ năm 2008 đến nay nhà trường tổ chức nhiều cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm thực địa các địa phương ở Nam bộ và qua cả Campuchia.
Cụ thể, chúng tôi khảo sát ở Tây Ninh và Bình Phước (vùng Đông Nam bộ), còn khu vực ĐBSCL đi các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ. Ở Campuchia chúng tôi gặp gỡ các nghệ nhân, nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật, tìm hiểu mô hình bảo tồn âm nhạc dân gian ở Làng văn hóa tỉnh Siem Reap, mô hình bảo tồn văn hóa quần thể Angkor Wat, cơ sở chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer ở Phnom Penh; trao đổi với các nhà nghiên cứu âm nhạc ở Trường Đại học văn hóa nghệ thuật Hoàng Gia Campuchia… nhằm rút ra những kinh nghiệm thực tiễn có thể áp dụng theo từng điều kiện ở các tỉnh ĐBSCL một cách phù hợp.
Qua các cuộc khảo sát ở Đông Nam bộ và ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa nhưng chưa được thực hiện hiệu quả ở một số nơi, như chính sách vinh danh nghệ nhân dân gian, NSƯT, hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ… Chúng tôi cũng phát hiện có đến 14,5% nghệ nhân, nghệ sĩ lĩnh vực âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ chưa qua đào tạo, không biết chữ; bậc tiểu học chiếm 22%; bậc trung học cơ sở chiếm 27,7%...
Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ chưa được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, việc tuyên truyền về âm nhạc Khmer Nam bộ còn yếu và thiếu sự quan tâm, số lượng người nhận biết và am hiểu về âm nhạc Khmer ngày càng giảm…
- Theo ông đâu là giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong bảo tồn nền âm nhạc độc đáo này?
- Trước tiên cần tìm chính xác những nguyên nhân mai một của âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ. Đó là sự thay đổi thị hiếu về âm nhạc hiện nay của người dân, sự tác động của các thiết bị điện tử và phương tiện nghe nhìn và các chương trình giải trí hiện đại, những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường.
Các địa phương chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, âm nhạc Khmer thiếu môi trường diễn xướng diễn tấu, nội dung và hình thức kém phong phú khó hiểu, thiếu sự đầu tư đúng mức, thiếu cơ sở vật chất, kinh phí và cả đội ngũ kế thừa, đặc biệt cộng đồng chưa hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của nền âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ.
Trên cơ sở xác định các hạn chế cũng như bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong và ngoài nước, chúng tôi sẽ đưa ra giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, chúng tôi đánh giá nghiêm túc, khách quan các đặc trưng, giá trị âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ dựa trên các cơ sở khoa học. Đây là tiền đề để thời gian tới, chúng ta có cách ứng xử phù hợp với các giá trị âm nhạc truyền thống Khmer Nam bộ, cũng như các giá trị âm nhạc mới hình thành, các hiện tượng mới xuất hiện.
Đồng thời, cũng là cơ sở để thiết lập hệ giá trị âm nhạc Khmer Nam bộ, vừa tương thích với hệ giá trị âm nhạc chung của nhân loại, của Việt Nam, vừa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn lịch sử âm nhạc truyền thống Khmer Nam bộ. Qua đó giúp âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ tìm được tiếng nói chung, ngôn ngữ chung để hội nhập và phát triển.
- Xin cảm ơn ông.
Trong nền âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ, dòng nhạc Chầm riêng Chà pây là hình thức độc diễn độc đáo, người diễn vừa hát vừa đàn bằng nhạc cụ Chà pây. Hát Chầm riêng Chà pây mang tính kể chuyện, pha chút hài hước gây hào hứng. Nội dung thường là những câu chuyện cổ tích, thần thoại, dân gian, các mẩu chuyện tốt xấu để răn dạy con người. Năm 2013, Bộ VH-TT-DL đã đưa Chầm riêng Chà pây vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra còn có các dòng nhạc À day, nhạc lễ, nhạc cưới, nhạc Mhôry… đều có những đặc trưng, độc đáo riêng. Soạn giả Thạch Mu Ni, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh |